Sau 5-7 năm im ắng, gần như biến mất ở nơi được coi là “thánh địa” cải lương Sài Gòn, khoảng hai năm gần đây sân khấu cải lương tại TP.HCM bỗng tưng bừng, nhộn nhịp với rất nhiều màu sắc phong phú, đa dạng.
10 sân khấu cải lương đồng loạt xuất hiện
Từ sau năm 2010, khi rạp Hưng Đạo bắt đầu bị đập bỏ để xây dựng mới đến tận năm 2015, ở TP.HCM cải lương sàn diễn gần như biến mất. Chỉ có sân khấu cải lương miễn phí diễn hằng tuần tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM là còn hoạt động đều đặn. 2-3 năm sau, cho đến khoảng năm 2017, cả năm thỉnh thoảng mới có một đêm diễn cải lương của diễn viên Gia Bảo làm lại những vở cải lương kinh điển với nghệ sĩ vang bóng một thời nhằm thu hút khán giả. Hoặc có sân khấu bán chuyên nghiệp của ông bầu Lê Hoàng, do doanh nhân Kim Ngân bỏ tiền ra làm chương trình cải lương cho mình diễn, mời các diễn viên chuyên nghiệp tên tuổi về diễn chung để thỏa mãn đam mê. Nghệ sĩ Kim Tử Long trong tình hình đó lâu lâu cũng làm một chương trình cải lương tổng hợp tập hợp đông đảo nghệ sĩ hát một suất rồi thôi.
Mãi đến năm 2018, với lượng khán giả cải lương có sẵn đang còn đó, đang khát những chương trình cải lương hay để xem, thêm tinh thần kỷ niệm 100 năm cải lương, sân khấu cải lương bắt đầu nhộn nhịp. Nghệ sĩ, bầu show mạnh dạn làm nhiều vở diễn, chương trình với đủ hình thức, phong cách. Liên tục 10 sân khấu cải lương lần lượt xuất hiện.
Rạp Hưng Đạo sau nhiều khiếm khuyết vẫn phải đưa vào hoạt động sau nhiều chỉnh sửa. Theo đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tái diễn tại đây nhiều vở cải lương ăn khách của nhóm Thắp Sáng Niềm Tin từ thập niên 2000 mang tính hương xa, kiếm hiệp như Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn… Từ sân khấu Lê Hoàng cộng tác với doanh nhân Kim Ngân, vợ chồng nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà tách ra từ đây thành lập sân khấu riêng Chí Linh - Vân Hà. Sân khấu này đã dựng một số vở cải lương hồ quảng chất lượng nghệ thuật đảm bảo, ca diễn nghiêm túc, nhận được nhiều cảm tình của khán giả như Bao Công tra án, Sát thủ hoa hồng.
Bên cạnh màu sắc cải lương hồ quảng, doanh nhân Kim Ngân đầu tư tiền tỉ cho đạo diễn Hoa Hạ dựng những vở cải lương lịch sử mình tham gia diễn như Thái hậu Dương Vân Nga, Đam mê và quyền lực. Diễn viên - ông bầu Gia Bảo cho ra thêm vài vở cải lương kinh điển mang tính xã hội như Đời cô Lựu, Lan và Điệp. Soạn giả Hoàng Song Việt kết hợp với nghệ sĩ đất Bắc Triệu Trung Kiên cho ra mắt sân khấu cải lương Đại Việt với vở tuồng cải lương màu sắc - cổ tích Chuyện tình Khâu Vaiđược đầu tư, dàn dựng, luyện tập chuyên nghiệp, chỉn chu, nhận được rất nhiều sự ngợi khen của dư luận. Sân khấu Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng ra đời những vở cải lương thử nghiệm như Tổ quốc nơi cuối con đường, Nhật thực…
Vở Xử án Phi Giao do nghệ sĩ Kim Tử Long đầu tư với sự trở lại của nghệ sĩ Ngọc Huyền. Ảnh: H.BÌNH
“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”
Sau nhiều năm đói cải lương, khán giả cải lương Sài Gòn lại hào hứng có cải lương mà xem. Nghệ sĩ sau nhiều năm xa sân khấu cũng hào hứng đầu tư làm vở trở lại. Tình hình bán vé của những chương trình mang tính thương mại nhìn chung đều khả quan. Song hào hứng là hào hứng vậy nhưng cả nghệ sĩ và khán giả đều bày tỏ sự vất vả và nỗi lo đường xa của mình. Hiện giá vé cải lương gọi là bình dân của một vở đầu tư bình thường, gói ghém bán ở các mức 800.000 đồng, 700.000 đồng, 500.000 đồng, 300.000 đồng dưới đất; vé trên lầu 200.000 đồng, 100.000 đồng. Vé một chương trình lớn diễn ở Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình có các mức 2 triệu đồng, 1,5 triệu đồng, 1 triệu đồng, 800.000 đồng, 500.000 đồng dưới đất; vé trên lầu 300.000 đồng.
Điều cần với cải lương hôm nay là một quyết sách giải quyết vấn đề, hỗ trợ hợp lý từ cơ quan chức năng chứ không phải giải pháp cho khán giả xem cải lương miễn phí mà không phù hợp thực tế. |
Đến xem một vở cải lương hồ quảng ở rạp Hưng Đạo với nhiều ngôi sao có giá vé ghế tốt được gọi là bình dân hiện nay ở mức 800.000 đồng/vé, chị Ngọc Thu than thở: “Vé cải lương bây giờ mắc quá, tôi chỉ buôn bán bình dân, bản thân muốn coi cũng không dám mua coi. Nhưng mẹ tôi thích thì mình ráng mua vé cao, ngồi gần cho bà coi thấy rõ chứ biết sao giờ. Nhưng tôi cũng chỉ mua được một, hai lần thôi chứ không thể mua hoài cho mẹ tôi vui”.
Hỏi nghệ sĩ, bầu show hiện nay cần cái gì để duy trì đời sống sân khấu cải lương sáng đèn thường xuyên, giá vé hợp lý, phù hợp mọi đối tượng, người dân có thể đi xem cải lương thường xuyên, ông bầu mát tay của cải lương - nghệ sĩ Vũ Luân nói: “Tôi cần cái rạp làm địa điểm diễn thường xuyên và giá cả thuê thích hợp. Hiện rạp Hưng Đạo tuy xây lại không được như ý nhưng nó vẫn ở vị trí dễ thu hút đông khán giả tìm đến nên tôi vẫn lựa chọn diễn ở đây. Tuy nhiên, thuê rạp đâu phải lúc nào cũng được, rạp cũng trống. Không có cái rạp làm điểm diễn thường xuyên, tôi làm sao dám đầu tư dựng vở”.
Chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang bán được vé giá rẻ Ông bầu Gia Bảo cho biết vì chi phí cho một vở diễn cải lương quá cao, tiền thuê rạp quá mắc, tiền trả cho ngôi sao quá nhiều, chỉ diễn được 1-2 suất là không bán vé được nữa nên tư nhân bỏ vốn ra làm phải bán vé giá cao mới thu hồi được vốn. Các nghệ sĩ Kim Tử Long, Vũ Luân cũng cùng ý kiến với Gia Bảo. Hỏi có cách nào để hạ giá vé, nghệ sĩ Kim Tử Long trả lời: “Chuyện này chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang làm được. Nhà hát có sẵn rạp, không phải thuê, có sẵn một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu để dựng vở diễn thường xuyên, bán vé giá rẻ”. |