Trên đây là những chia sẻ của nghệ sĩ Kim Tử Long với báo chí tại các sự kiện anh có mặt trong hai ngày 1 và 2-10.
"Muốn giúp cải lương có nhiều cách nhưng cách để khán giả coi cải lương miễn phí như vầy là sai, rất sai. Làm như vậy là không tôn trọng nghệ sĩ cải lương, không tôn trọng nghệ thuật cải lương. Nghệ sĩ chúng tôi vẫn đang làm nghề và cải lương đâu có rẻ rúng đến mức phải đem cho không, nghệ sĩ nổi tiếng phải đi diễn miễn phí như vậy. Làm như vậy nghệ sĩ cải lương chúng tôi thấy... nhục lắm”, nghệ sĩ Kim Tử Long nói thêm.
Cũng theo nghệ sĩ Kim Tử Long, thay vì tổ chức cải lương miễn phí, nhà nước có thể dùng ngân sách hỗ trợ sân khấu cải lương như hỗ trợ kinh phí dựng vở, tập luyện, âm thanh, ánh sáng, tiền thuê rạp cho các đơn vị làm cải lương có vở hay. Đổi lại đơn vị đó sẽ giảm giá vé hoặc bán vé với giá vừa phải cho khán giả.
Hai ngôi sao Trọng Phúc-Thanh Ngân trong vở cải lương Giấc mộng đêm xuân diễn miễn phí tối 28-9. Ảnh: TRẦN GIA TIẾN
Một phương án khác được nghệ sĩ Kim Tử Long nêu là nên cho đấu thầu kinh phí làm vở diễn hay, như vậy sẽ tạo sự công bằng giữa các đơn vị làm cải lương từ nhà nước đến tư nhân. Ai có kịch bản hay, phương án dàn dựng hay thì trúng thầu kinh phí làm vở. Sau đó vở diễn sẽ được diễn miễn phí phục vụ học sinh, sinh viên. Cách này vừa để giới trẻ được biết cải lương là như thế nào, vừa để các em thấy cải lương hay, hiện đại ra sao chứ không phải là sến, lạc hậu, quê mùa như nhiều em đi coi cải lương về tâm sự.
"Nếu là vở diễn lịch sử thì các em còn được học về lịch sử, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước như cải lương đã làm được trước đây qua những vở như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa… Cho các em coi vở miễn phí như vậy xong mình còn có thể khuyến khích các em viết cảm nhận về vở diễn, về cải lương. Hỗ trợ cải lương như vậy có phải tốt, có phải hay không”, Kim Tử Long nói.
Nghệ sĩ Tú Sương cũng khẳng định sẽ không bao giờ nhận lời diễn cải lương miễn phí: "Là diễn viên của nhà hát Trần Hữu Trang, dù có bị ép tôi cũng sẽ không tham gia. Không phải vì chê đồng lương thấp hay gì đó, mà tôi thấy đây là cách làm không đúng, không tôn trọng cải lương cũng như nghệ sĩ cải lương".
Theo nghệ sĩ Tú Sương, nghệ sĩ trước khi nhận tiền vé của khán giả đều phải tập luyện đêm ngày, đổ nhiều mồ hôi trên sàn tập. Như nghệ sĩ Kim Tử Long, Tú Sương cho rằng cải lương không đến mức phải miễn phí. Thay vào đó hãy nghĩ ra những cách làm phù hợp hơn như giảm tiền rạp, tiền tập cho nghệ sĩ, cho ông bà bầu không bị lỗ, yên tâm làm nghề phục vụ khán giả.
Không chỉ các nghệ sĩ cải lương, mà các nghệ sĩ kịch nói và giới làm nghệ thuật nói chung đều không đồng thuận cách hỗ trợ cải lương bằng việc diễn cải lương miễn phí phục vụ khán giả định kỳ. Nghệ sĩ kịch Huỳnh Tiến Khoa – quán quân "Làng hài mở hội" viết: “Thay vì cho không biếu không, rồi làm tạm bợ dã chiến (vì không có doanh thu) thì nên tập trung làm tuồng nào đáng tuồng đó, từ nghệ sĩ đến dàn dựng và đầu tư đúng chất... Khán giả vẫn mua vé cả triệu đồng để xem những đêm cải lương đầu tư đúng nghĩa đó chứ!”.
Tối 28-9, tại rạp Hưng Đạo TP.HCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã diễn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân thu hút được khá đông khán giả đến xem. Ngoài những nghệ sĩ nòng cốt, tên tuổi, giỏi nghề của nhà hát như Linh Trung, Tấn Giao, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Thu Vân…; vở còn có sự tăng cường hai nghệ sĩ ngôi sao bên ngoài là Thanh Ngân, Trọng Phúc. Đáng chú ý, đây là vở diễn miễn phí, khán giả không phải mất tiền mua vé vào xem. Theo thông tin từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, từ nay đến cuối năm khán giả sẽ được xem miễn phí hai lần những vở cải lương hay, có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, ngay sau đêm diễn 28-9, đã có nhiều nghệ sĩ bày tỏ nỗi buồn, sự thất vọng về việc diễn cải lương miễn phí này. |