Việt Nam sẽ chuẩn bị những gì để ứng phó với hành động leo thang đang thử thách những giới hạn của tinh thần hòa bình Việt Nam?
Lịch sử bao đời nay đã chứng minh tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng nhận thức rằng bảo vệ hòa bình bằng nhiều giá và bảo vệ đất nước trước những bất trắc của lịch sử là công việc của mọi người Việt.
Còn nhớ, cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam cũng đã diễn ra sau một quá trình đấu tranh, đàm phán và nhân nhượng lâu dài từ tháng 9-1945 đến 12-1946. Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thực dân Pháp đã liên tục khiêu khích từ sau tạm ước ngày 14-9-1946 cho đến 20-12-1946. Chính sự nhân nhượng của Việt Nam với sự leo thang khiêu khích của thực dân Pháp đã nung nấu căm thù của người Việt. Khi ấy, sự nhân nhượng lại cần thiết như một trọng lượng nén thanh thép tạo thành sức bật và sức mạnh trừ phạt bạo tàn. Chính sách nhân nhượng cũng đã được đúc kết trong nhiều văn kiện.“Và nếu hòa bình chưa thể có được vì lòng tham và sự mù quáng của chủ nghĩa đế quốc thì đây là những giây phút hòa hoãn để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, mà chúng ta tin nhất định sẽ giành thắng lợi” (*)…
Việt Nam có nghĩa vụ và có những quyền khác trong cộng đồng quốc tế ngoài chuyện ứng xử nhân nhượng vì hòa bình. Trong số các tài liệu ngoại giao, các công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21-10-2009 phản đối quyết liệt các hành động của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và công hàm phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 mới đây đã cho thấy các ngưỡng của sự nhân nhượng.
Có khi nhân nhượng là bảo vệ hòa bình nhưng có khi nhân nhượng lại khuyến khích cho đối phương lấn tới. Vì thế trong tình cảnh sức khỏe, tài sản, phương tiện kiếm sống, sinh mệnh và phẩm giá của ngư dân và gần đây là tài sản quốc gia (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-PVN) bị coi rẻ bởi sự bạo ngược thì cách ứng xử nhân nhượng có lẽ cũng cần một giới hạn nào đó nhằm bảo toàn không gian hành động, bảo vệ đất nước.
LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
(*) Trang 168, Những năm tháng không thể nào quên. Võ Nguyên Giáp - Hữu Mai thể hiện.