Chiều 7-7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch.
Cần giải pháp cứu dòng sông chết
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều đồng tình với việc cần thiết cải tạo lại sông Tô Lịch để bảo đảm môi trường, cảnh quan của dòng sông có vai trò văn hóa, lịch sử rất quan trọng trong suốt chiều dài 1.000 năm hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội.
“Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, nó đang trở thành dòng sông chứa nước thải của TP. Thực tế hiện nay có những đoạn sông bị bê tông hóa, trở thành kênh dẫn nước thải. Nếu chúng ta không có quyết tâm cao, có giải pháp khoa học, đúng đắn để cải tạo lại sông Tô Lịch thì nơi đây sẽ biến thành dòng sông chết” - ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nói.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều đồng tình với việc cần thiết cải tạo sông Tô Lịch để bảo đảm môi trường, cảnh quan của dòng sông. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Tóm tắt nội dung đề xuất cải tạo sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE), cho hay nhiều năm qua Hà Nội đã và đang thực hiện một số dự án để cải tạo sông Tô Lịch. Qua quá trình nghiên cứu, phía JVE thấy rằng cần phát huy các dự án mà Hà Nội đã triển khai, hướng đến hồi sinh dòng sông Tô Lịch, đồng thời nâng tầm dòng sông này biến đây thành một điểm nhấn văn hóa cho thủ đô.
Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm của Nhật Bản về làm hầm chống ngập, phía JVE đề xuất làm hầm ngầm chống ngập chạy dọc sông Tô Lịch với chiều dài khoảng 11 km. Hầm ngầm này sẽ giúp sông Tô Lịch thoát được lượng mưa lớn với cường độ 500 mm/2 giờ, đảm bảo khu vực xung quanh không bị ngập cục bộ như trận mưa lớn ngày 29-5. Tuyến hầm ngầm này sẽ đảm bảo hai nhiệm vụ chống ngập khi mưa lớn và trở thành đường giao thông khi không xảy ra mưa lớn.
“Chúng tôi mạnh dạn đề xuất làm bốn năm xong tuyến hầm ngầm chống ngập này. Dự kiến năm 2030 hoàn thành. Theo đó, dự án thiết kế không cản trở dòng chảy sông Tô Lịch. Cả khâu làm thủ tục lẫn thi công chỉ cần năm năm là xong, đảm bảo tính khả thi” - chủ tịch JVE nói.
Đề xuất cần được hoàn thiện để có tính khả thi
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết sông Tô Lịch có lịch sử gắn với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Hiện nay, dòng sông chỉ còn lại trục bắc nam dài khoảng 13,4 km (trục đông tây đã bị lấp vào thời Pháp thuộc). “Hiện nay, khu vực lưu vực sông Tô Lịch là nơi có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa cao. Toàn bộ nước thải sinh hoạt đều đổ về đây. Hiện trạng của sông Tô Lịch giờ giống như một con kênh thoát nước thải của TP” - ông Tuấn nói.
Về cải tạo môi trường sông Tô Lịch, ông Tuấn cho biết nhiều năm qua TP đã triển khai nhiều dự án như dự án thoát nước giai đoạn 1, 2 gồm cải tạo hạ tầng thoát nước khu nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc sông Tô Lịch; xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/giây; cải tạo cảnh quan ven sông… Cùng với đó là xây dựng hệ thống thu gom (dài hơn 52 km) và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày). Đồng thời TP Hà Nội cũng phê duyệt đề cương chi tiết đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống bốn sông ở khu vực nội đô lịch sử (gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu).
Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE, theo ông Tuấn, UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu. “Chúng tôi hiểu rằng đề xuất hướng đến ba mục tiêu. Thứ nhất là phục hồi môi trường, kiến trúc cảnh quan. Thứ hai là kết hợp giải pháp thoát nước, giải quyết ngập úng. Thứ ba là kết hợp giao thông ngầm. Có thể nói đề xuất kết hợp ba trong một. Đây là ý tưởng triển khai với quy mô lớn, cần nguồn lực rất lớn để triển khai” - ông Tuấn nhận định.•
Đề xuất mới “rất cần được nghiên cứu”
Về các đề xuất về xây dựng không gian đi bộ, công viên văn hóa lịch sử; xây hầm ngầm thoát nước kết hợp giao thông với quy mô đáp ứng trận mưa lớn cường độ 500 mm/2 giờ, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng đây là những nội dung “rất cần được nghiên cứu” trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thủ đô tới đây.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của TP.
Cũng theo ông Tuấn, JVE đề xuất làm hệ thống hầm ngầm thoát nước và bể chứa cuối tuyến với quy mô đáp ứng trận mưa cường độ 500 mm là khá lớn. “Hiện hệ thống thoát nước của TP được thiết kế với quy mô đáp ứng trận mưa cường độ 310 mm/hai ngày. Việc tính toán cường độ 500 m3/2 giờ thì đòi hỏi đầu tư lớn, phải mở rộng tuyến cống ở các dự án đã và đang triển khai, nâng công suất các trạm bơm hiện có. Vì vậy đây là nội dung cần nghiên cứu sâu để đáp ứng về mặt kỹ thuật” - ông Tuấn nói.
Về đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11 km dọc sông Tô Lịch, ông Tuấn nhận định đây là những giải phải tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Bên cạnh đó nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất. Theo đó, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền…