Đối với dự thảo sửa đổi Nghị định 152/2020 do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo (đang lấy ý kiến của các bộ, ngành), một số doanh nghiệp (DN), Hiệp hội Thương mại châu Âu, Mỹ, Anh kiến nghị sớm tháo gỡ một số thủ tục cấp giấy phép lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Cơ quan quản lý lao động cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhưng cần có hàng rào để bảo vệ quyền lợi cho 54 triệu lao động trong nước.
Doanh nghiệp sử dụng lao động ngoại kiến nghị nên sớm tháo gỡ thủ tục cấp giấy phép lao động để thu hút đầu tư, chuyên gia đến Việt Nam làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN |
Kiến nghị giảm thủ tục cấp phép lao động
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 152, các DN, hiệp hội nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến bằng cấp chuyên gia, các thủ tục cấp phép lao động.
Cụ thể, đại diện DN lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ cho rằng nếu áp đặt tiêu chí có bằng đại học và ít nhất năm năm kinh nghiệm cho vị trí làm việc mới được cấp giấy phép lao động thì nên linh hoạt chuyển sang đặt tiêu chí mức lương, thuế thu nhập cá nhân đối với các vị trí chuyên gia, cố vấn để làm căn cứ cấp giấy phép lao động. Bởi các vị trí này được DN trả lương rất cao và dễ kiểm soát, thay vì tranh luận tiêu chí bằng cấp như lâu nay.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) phân tích kể từ sau đại dịch, có hai trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam là giấy phép lao động và visa nhập cảnh quá phức tạp, kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng đến các định hướng quyết định đầu tư, chuyển giao công nghệ. Nếu vấn đề này được tháo gỡ sẽ kích thích tăng trưởng, môi trường đầu tư thông thoáng, nâng vị thế cạnh tranh.
Đại diện EuroCham đánh giá giai đoạn hậu COVID-19, chính sách visa nhập cảnh và thủ tục cấp phép lao động thông thoáng đã thu hút nhà đầu tư và lực lượng chuyên gia đến Việt Nam rất đông và thuận lợi. Tuy nhiên, sau đó hai chính sách này thắt chặt khiến nguồn vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm, lực lượng chuyên gia, cố vấn kỹ thuật vào Việt Nam khó khăn hơn. “Chúng tôi hy vọng lần sửa đổi này, việc cấp giấy phép lao động minh bạch, hiệu quả, rút ngắn thời gian cho DN” - đại diện EuroCham nói.
Cơ quan quản lý lao động cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhưng cần có hàng rào để bảo vệ quyền lợi của 54 triệu lao động trong nước.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng cho rằng DN không ai bỏ nhiều chi phí làm thủ tục và trả lương cao để tuyển nhà quản lý, chuyên gia cho các vị trí quan trọng mà không mang lại giá trị cho DN. Vì vậy, thủ tục không sớm tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến vốn FDI và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.
Vị đại diện nhấn mạnh sự bất cập ở ba yếu tố. Thứ nhất, yêu cầu có bằng đại học là một trong các điều kiện bắt buộc mới được cấp giấy phép lao động đã tồn tại nhiều năm là quy định máy móc, bởi thực tế các chuyên gia họ tích lũy kinh nghiệm, phù hợp với nhu cầu DN là đủ. Thứ hai, không nên khống chế số lần gia hạn giấy phép trong năm. Thứ ba, thời gian giải trình nhu cầu sử dụng lao động theo quy định hiện hành là 10 ngày nhưng thủ tục này từ Sở LĐ-TB&XH có khi phải chờ 1-2 tháng.
Đại diện AmCham kiến nghị cần phân rõ thẩm quyền cấp giấy phép lao động về Sở LĐ-TB&XH các địa phương vì họ gần địa bàn sẽ nắm rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ LĐ-TB&XH chỉ nên cấp phép cho các tổ chức quốc tế, còn các địa phương cấp giấy phép cho các DN.
Bảo vệ lao động trong nước
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết bình quân mỗi ngày ông ký hơn 30 loại giấy tờ liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lao động. Hiện thủ tục cấp phép đã rút ngắn dưới 10 ngày, tuy nhiên một số đơn vị do khoán cho các đơn vị dịch vụ hoặc nhân viên mới vào làm nên hiểu chưa hết các quy định dẫn đến bổ sung giấy tờ nhiều lần.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, nhìn nhận các ý kiến của DN, hiệp hội các DN sẽ giúp Bộ LĐ-TB&XH giải quyết căn cơ những vướng mắc tồn tại lâu nay về thủ tục, điều kiện và yêu cầu cấp giấy phép.
Theo ông Bình, việc sửa đổi Nghị định 152 lần này không chỉ là thủ tục mà còn là đánh giá toàn diện, trong đó lực lượng lao động là nguồn lực đầu vào trong sản xuất, kinh doanh, thay vì quan niệm việc làm là vấn đề an sinh.
Về kiến nghị yêu cầu không nên máy móc về bằng cấp, ông Bình cho rằng nếu bỏ qua yếu tố này thì xã hội sẽ không có bằng cấp, do vậy yêu cầu này vẫn được đặt ra. Cần làm rõ thuật ngữ thế nào là chuyên gia vì thời gian qua, ngoài các vị trí quản lý, giám đốc điều hành thì lực lượng lao động ngoại “gắn mác” chuyên gia là phổ biến. “Các DN mong muốn quyền lợi của mình thì 54 triệu lao động Việt Nam cũng có đòi hỏi về quyền lợi của mình trong tuyển dụng” - ông Bình đặt vấn đề lại.
Ông Bình thông tin thời gian qua, hầu hết DN tuyển thêm chuyên gia chứ không giảm. Như vậy, vấn đề đặt ra là tại sao DN không đào tạo, chuyển giao công nghệ, vị trí quản lý, điều hành cho các thế hệ kế cận người Việt Nam mà liên tục tuyển bên ngoài? Thậm chí, DN cũng hoàn toàn có thể thu hút lực lượng du học sinh về nước làm việc.•
Chuyên gia vào Việt Nam làm việc rất khó
Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam lo ngại dòng vốn FDI sụt giảm đã tác động đến nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Vị đại diện chỉ ra một trong các lý do thủ tục phức tạp khiến các chuyên gia vào Việt Nam làm việc rất khó khăn, trong khi họ là nguồn lực lao động quan trọng để giúp các DN phát triển công nghệ, mở rộng sản xuất.
Vị đại diện dẫn chứng DN có trụ sở chính tại Hà Nội, thủ tục cấp giấy phép tại Hà Nội nhưng các nhà máy lại nằm ở các tỉnh. Theo đó, khi về các địa phương làm việc lại đòi hỏi thêm giấy phép do địa phương nơi chuyên gia di chuyển đến làm việc cấp chồng lên.
“Tôi kiến nghị nên cấp giấy phép lao động một lần, sau đó chuyên gia, người điều hành có thể di chuyển đến nhiều nơi làm việc thay vì cấp nhiều lần” - vị đại diện nhấn mạnh.