LẬP KHU ĐÈN ĐỎ ĐỂ QUẢN MẠI DÂM:

Cấm mại dâm sẽ tăng… hiếp dâm?

Bộ LĐ-TB&XH vừa có đề xuất cần tăng nặng mức phạt tiền với hành vi mua dâm, đồng thời thông báo về đơn vị làm việc, xã phường nơi người mua dâm đang sinh sống, công tác. Đề xuất này chắc chắn tạo nên nhiều tranh cãi và cũng như chuyện cấm hay cho mại dâm tồn tại, tranh cãi này thuộc dạng “bất phân thắng bại”.

“Án phạt” cao hơn mức độ hành vi

Trước hết, việc thông báo về cơ quan, đơn vị làm việc, nơi cư trú của người mua dâm là một “án phạt” có phần vượt quá mức độ hành vi của người có liên quan. Nếu xét việc mua dâm với những hành vi khác như tham ô, tham nhũng, hối lộ, làm hàng gian hàng giả… thì rõ ràng khó có thể nói hành vi mua dâm là nặng hơn. Vậy tại sao những hành vi khác thì không bị bêu tên, thông báo về địa phương? Chưa nói việc bêu tên này còn vi phạm quyền nhân thân của công dân.

Mặt khác, cần phải nhìn nhận mại dâm là một hiện tượng xã hội có thật và phổ biến ở mọi nơi, mọi xã hội, qua thời gian dài. Tất nhiên, dưới lăng kính đạo đức, không ai muốn công nhận nó. Nhưng vì sao mại dâm vẫn tồn tại và nhiều quốc gia phải chấp nhận nó như một hiện tượng không thể loại trừ mà chỉ có thể quản lý nhằm giảm bớt những hệ lụy từ hiện tượng này?

Nhu cầu căn bản của con người

Có lẽ cần nhìn vấn đề mại dâm dưới góc độ chức năng mà theo đó mọi hiện tượng tồn tại trong xã hội là vì chúng có một vai trò nhất định nào đó trong xã hội. Mại dâm cũng như vậy, chắc chắn nó có một chức năng nào đó trong xã hội nên mới có thể tồn tại dai dẳng trong mọi xã hội. Vậy chức năng đó là gì?

Khi nhìn vào xã hội, chúng ta luôn thấy có một bộ phận người không thể lập được gia đình do những khiếm khuyết về cơ thể hay vì một lý do nào đó. Vậy những người này điều tiết các nhu cầu sinh lý của mình như thế nào? Chắc chắn họ phải tìm đến dịch vụ mại dâm để thỏa mãn nhu cầu bởi đây là một trong những nhu cầu căn bản của con người.

Nhìn ra các nước, mới đây tại Cộng hòa Czech, Bộ Nội vụ nước này đã phê chuẩn việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhu cầu sinh lý cho những người khuyết tật. Và năm nữ nhân viên đầu tiên đã được cấp phép hoạt động sau khi đã được đào tạo chuyên biệt. Cần nói thêm rằng dịch vụ hỗ trợ tình dục đã có ở nhiều nước như Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Hà Lan.

Mối quan hệ giữa mại dâm và hiếp dâm

Mặt khác, có một giả thuyết khác mà giới nghiên cứu cũng rất quan tâm. Đó là tỉ lệ hiếp dâm trong xã hội sẽ gia tăng khi các nguồn tiếp cận với việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý (cụ thể là mại dâm) bị hạn chế hoặc bị ngăn cấm. Nghĩa là việc cấm tiệt mại dâm có thể còn gây ra những hậu quả tàn khốc hơn, đó là làm gia tăng nạn hiếp dâm trong xã hội.

Đây là điều đã từng được Kirby R. Cundiff chứng minh trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2004 với nhan đề “Prostitution and Sex crime” (Mại dâm và tội phạm tình dục). Trong nghiên cứu này, tác giả cho rằng nếu Hoa Kỳ hợp pháp hóa mại dâm thì mỗi năm sẽ làm giảm khoảng 25% số vụ hiếp dâm, tức giảm khoảng 25.000 vụ hiếp dâm/năm. Mặt khác, việc hợp pháp hóa mại dâm có thể làm giảm chi phí cho việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý của những người không có cơ hội thỏa mãn nhu cầu này trong các mối quan hệ hợp pháp. Cụ thể, theo tính toán của Cundiff, vì Hoa Kỳ chưa hợp pháp hóa mại dâm nên mỗi lần mua dâm khách hàng phải chi trả khoảng 200 USD. Trong khi tại Hà Lan, một nước hợp pháp hóa mại dâm, giá cho mỗi lần “mua” chỉ là 20 USD.

Một nghiên cứu khác tại Queensland (Úc) cho thấy khi bang này đóng cửa các “nhà thổ” hợp pháp vào năm 1959 thì sau đó tỉ lệ hiếp dâm tăng lên 149%, trong khi những loại tội khác chỉ tăng 49%.

* * *

Như vậy mại dâm tồn tại lâu dài trong mọi xã hội là bởi hiện tượng này có lý do để tồn tại. Bản thân những vấn đề do mại dâm gây ra (như làm gia tăng nguy cơ lây HIV/AIDS hay những người hành nghề mại dâm bị kỳ thị hoặc bị bạo lực…) không phải là kết quả của việc chúng ta không phạt nặng người mua dâm mà là do chúng ta chưa chịu đưa hoạt động mại dâm vào khuôn khổ luật pháp. Vì thế giải pháp cho vấn đề mại dâm cần phải được suy nghĩ dưới nhiều góc độ, từ kinh tế, xã hội, luật pháp, văn hóa chứ không chỉ là đạo đức.

Hợp thức hóa sẽ quản lý hữu hiệu hơn

Nhìn lại lịch sử, sơ lược thôi cũng đủ thấy mại dâm đã là nghề từ rất lâu đời. Theo Mại dâm và trinh tiết của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì những thời đại mà luật pháp khắt khe như nhà Lê, nhà Nguyễn, kỹ nữ vẫn là một nghề. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì chép rằng năm 1501, vua Lê Hiến Tông hạ lệnh cấm các quan dẫn theo đĩ khi đi hầu vua. Sách Sơn cư tạp thuật (cuối thế kỷ 18) có đoạn: “Nước ta trước đây đĩ điếm phần nhiều tụ tập ở kinh thành và quân doanh, chỗ nào cũng có, riêng phố Hàng Chĩnh, Hàng Cau đông nhất”. Như vậy, mại dâm là vấn đề nội sinh chứ không phải ngoại lai, du nhập. Nó đã gắn liền với đời sống người Việt hàng ngàn năm qua, thời nay tuy chưa công khai nhưng bất kỳ ai trưởng thành cũng thấy hiện diện khắp nơi.

Nếu việc hợp pháp hóa mại dâm này thành hiện thực tại Việt Nam sẽ có ba nhóm đối tượng hưởng lợi trực tiếp: 1. Người hành nghề mại dâm; 2. Các cơ quan quản lý, văn hóa, giáo dục, y tế, đạo đức…, và cả các cơ quan thu thuế, lao động xã hội; 3. Người dân sẽ biết đâu có “phố đèn đỏ”, đâu thì không để chọn lựa “lối đi”. Từ ba cái lợi trực tiếp này, những cái lợi, cái hại kéo theo có thể hình dung được.

Hợp thức hóa cũng đồng nghĩa với công khai hóa, rồi chuyên nghiệp hóa, khả năng quản lý hữu hiệu sẽ cao hơn. Nhiều nơi trên thế giới đã làm thành công, chỉ cần học hỏi, chắt lọc. Không hợp thức hóa thì khó kiểm soát, mà thực tế thì ngày càng khó cấm đoán được do bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Hợp thức hóa sẽ dễ quản lý, tiến tới dễ giáo dục và dễ định hướng hơn.

Nhà báo HÀ VĂN BẢY, báo Thể Thao và Văn Hóa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm