. Phóng viên: Thưa ông, tại sao ông không có niềm tin ở tính khả thi của đề xuất trên?
+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Trước hết, xét về phương diện quyền nhân thân thì điều này là không được. Xu hướng nhìn nhận về mại dâm đang mỗi ngày một cởi mở hơn, bây giờ Bộ LĐ-TB&XH lại đề xuất bêu tên người mua dâm thì… chắc chắn không làm được. Tôi nghĩ việc này chỉ tạo cơ hội cho những người thực thi kiếm tiền.
Nếu lạnh lùng bạ trường hợp nào cũng thông báo thì bộ mặt của nhiều người sẽ lộ ra, trong đó có cả giới công chức. Ở khía cạnh đạo đức xã hội thì sẽ làm cho xã hội thêm phần rác rưởi, bệnh hoạn hẳn lên. Thông tin chúng ta nên để dành cho những cái gì hay ho quan trọng hơn, thông báo ba cái điều sinh hoạt như thế lắm khi lại trở thành tư liệu, thông tin cho người ta “tẩn” nhau. Thậm chí nó còn gây xáo trộn lớn, có khi là gây khủng hoảng, lủng củng gia đình, đe dọa hạnh phúc của người ta.
. Ở diện hẹp hơn, người thông báo, người bị bắt quả tang có hành vi mua dâm sẽ hành xử ra sao?
+ Người có quyền thông báo có thể sẽ lựa chọn cách để… kiếm tiền từ phía đối tượng. Còn người “bị bắt” thì đủ khả năng để “mua” việc không bị thông báo, cuối cùng chỉ bêu tên “con tép, con rệp” thôi. Xét cho cùng thì thông báo chỉ đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đương chức, đương quyền, đang chạy đua trong các cuộc bầu bán thôi, còn lại nó chẳng giải quyết được gì.
. Ở TP.HCM từng có đề xuất thành lập “khu đèn đỏ”, theo ông đó có phải là một bước chuyển về nhận thức, về sự cởi mở trong vấn đề này?
+ Trước tiên tôi phải nhắc lại quan điểm, rằng một khi đã tập hợp như vậy tức là thừa nhận có mức độ rồi. Không phải tập hợp lại để chống mại dâm hữu hiệu hơn, mà nó chỉ để lành mạnh hóa, quản lý tốt, vệ sinh dịch tễ, thậm chí thu được tiền, để nó không như vết dầu loang ra mọi chỗ. Bản thân đó là hành động tích cực chứ không phải tiêu cực, chỉ tiếc người phát biểu ra điều này dưới dạng nửa vời.
. Tức là ông ủng hộ việc lập “khu đèn đỏ”?
+ Tất nhiên. Bởi tôi có niềm tin rằng nếu được quản lý tốt, những người “ẩn ức” sẽ không còn hành xử bậy bạ trên đường, vì họ có chỗ để giải quyết nhu cầu. Những phát sinh như gái đứng đường, hành động nọ kia trên đường… cũng do cấm đoán mới nảy sinh.
Nhìn ra bên ngoài, các nước khác người ta chỉ phạt nặng người môi giới thôi. Gần đây, tôi thấy có thông tin có nước đã cho phép loại hình dịch vụ để giải quyết tình dục cho người khuyết tật, người ta cung cấp cả danh sách, cả clip người làm việc ấy nhưng không được trực tiếp môi giới.
. Xin cám ơn ông.