Cảm ơn Thủ tướng!

Để có kết quả ấy, ĐBQH đã có những cuộc tranh luận gay gắt trên nghị trường. Ngay sau đó, cuộc tranh luận ấy còn râm ran tại các diễn đàn mạng, nơi trà dư tửu hậu của các bậc trí giả và là câu chuyện thời sự nóng nhất 10 ngày qua của tất cả những ai nặng lòng với đất nước. Đã có lúc, dự luật tưởng đi vào bế tắc khi ngay tại diễn đàn chính thức là QH, số ý kiến phản đối đông đảo hơn ý kiến ủng hộ.

Thật ra trước một việc lớn sắp làm thì sự tranh luận cũng là bình thường. Tuy nhiên, ý kiến tranh luận dù ủng hộ hay phản đối thì đều nhắm đến một đối tượng đích cụ thể. Người ủng hộ thì nêu rất rõ ràng, có luật là để bảo đảm cho một quyền cơ bản của công dân đã nêu trong hiến pháp có cơ hội thực thi. Còn người phản đối thì kết luận xanh rờn: Biểu tình là... chống Chính phủ nên phải cấm!

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, trong những lúc như thế “vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Càng nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau với khoảng cách xa như thế, vai trò của lãnh đạo càng cần thiết. Lãnh đạo để tạo ra sự đồng thuận theo hướng có lợi cho đất nước”.

Và trong mấy chục phút ngắn ngủi của buổi trưa 25-11, trước hàng chục triệu đồng bào, Thủ tướng Chính phủ Nguyến Tấn Dũng đã thẳng thắn khẳng định phải xây dựng Luật Biểu tình để bảo đảm quyền cho người dân và giúp Nhà nước có công cụ quản lý. Hoàn toàn không có chuyện làm luật này để... chống Chính phủ như ai đó nhầm tưởng!

Thủ tướng đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, nói những lời cần thiết nhất, trọng tâm nhất khép lại cuộc tranh luận có thể sẽ đi vào lịch sử lập pháp Việt Nam. Bởi ở đó ông đã không chỉ bác bỏ những ý kiến cản trở dự luật nhân danh Chính phủ mà còn xác tín một cách rành rọt nghĩa vụ phục vụ của Nhà nước với quyền của người dân.

Xin cảm ơn Thủ tướng.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới