Ngày 17-11, trong số 28 ý kiến phát biểu, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, chỉ có năm ý kiến bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc có nên xây dựng Luật Biểu tình hay không. Tuy nhiên, nội dung này lại khiến nghị trường trở nên nóng bỏng bởi hai luồng quan điểm trái ngược nhau: Bốn đại biểu (ĐB) nói chưa cần Luật Biểu tình, duy nhất một ĐB khẳng định cần sớm có luật này để điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong thời gian gần đây.
“Biểu tình luôn gắn với chống chính quyền”
Đó là quan điểm của ĐB Hoàng Hữu Phước (ĐB TP.HCM tự ứng cử) - người đầu tiên đề cập đến dự án Luật Biểu tình. Ông Phước không rào trước đón sau mà đề nghị loại ngay dự án Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách xây dựng luật nhiệm kỳ QH khóa XIII. Lý do: Luật Lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống MTTQ VN, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ MTTQ VN. Còn với Luật Biểu tình thì trong tiếng Anh, biểu tình tức là Demonstration luôn để chống chính phủ nước mình hay một chủ trương của chính phủ nước mình.
“VN có cần cuộc biểu tình chống Chính phủ, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ VN hay không? Nếu không cần thì tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình?” - ông Phước nói và chất vấn: Dự án này đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động chưa hay chúng ta xây dựng chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người là những công dân chưa có thu nhập, có việc làm.
Ông Phước cũng dẫn chứng về hậu quả của một số cuộc biểu tình vừa diễn ra mà điển hình là việc gây ùn tắc giao thông. Khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người ở TP nhằm chống đường lưỡi bò, ông đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng đe dọa những người đang tập hợp biểu tình. “Cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân? Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn” - ông Phước kết luận.
Nhất trí với ý kiến của ông Phước, ba ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cũng cho rằng chưa nên ban hành Luật Biểu tình trong thời điểm hiện nay.
ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC: “Càng sớm có Luật Biểu tình càng tốt”. ĐB HOÀNG HỮU PHƯỚC: “Thời điểm này chưa thích hợp để công nhận các hình thức biểu tình”. Ảnh: THÀNH VĂN
Đó là quyền của công dân và cần phải có luật
Trái với các quan điểm trên, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại đánh giá rất cao việc đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật của QH khóa XIII. Theo ông Quốc, cần phải nhìn biểu tình ở cả hai khía cạnh của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để thực thi quyền hành pháp. “Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi” - ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, Điều 25 Hiến pháp 1959 khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình thì thuật ngữ “biểu tình” đã trở thành một chính văn của đạo luật cơ bản. Như thế nó không phải cái gì xa lạ cả. Chính vì không có luật cụ thể hóa quyền biểu tình nên thời gian qua có nhiều việc dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
“Tôi không tán thành các ĐBQH cứ nhân danh nhân dân mà nói rằng không cần xây dựng Luật Biểu tình. Tại diễn đàn QH, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó” - vị ĐB này bày tỏ.
Ông Quốc cũng cho rằng theo những tuyên bố chính thức của Nhà nước, những người biểu tình là những người yêu nước nhưng cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật. “Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình lập pháp về Luật Biểu tình. Càng có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt” - ông Quốc nhấn mạnh.
Không cần luật chỉ cần "giấy phép con" Ngày 17-11, bên hành lang QH, báo chí đã yêu cầu với ĐBQH Hoàng Hữu Phước nói rõ thêm quan điểm của ông. . Phóng viên: Cơ sở nào để ông khẳng định rằng nếu trưng cầu dân ý, đa số ý kiến người dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình? + ĐBQH Hoàng Hữu Phước: Có hai cơ sở để tôi nói điều đó. Thứ nhất, về cơ sở chủ quan, nếu chúng ta tiến hành trưng cầu dân ý, tôi thề sẽ đi khắp mọi miền đất nước bằng tiền túi để làm công tác tư tưởng, thuyết trình với người dân để họ biết về an nguy của Tổ quốc nếu có biểu tình xảy ra. Thứ hai, từ trước đến giờ tôi thấy chỉ vài chục, vài trăm người tụ tập để nói về đường lưỡi bò. Như thế nhu cầu biểu tình rất là ít. Đó không phải là sự quan tâm của số đông người dân và nếu nói 70% dân số VN sống ở nông thôn thì chỉ cần con số này biểu quyết không cần Luật Biểu tình. . Số lượng người biểu tình ít phải chăng vì chưa có luật nên người dân e ngại không tham gia? + Cái này tôi đặt ngược lại là số lượng người biểu tình ít là do việc lôi kéo người dân tham gia vào biểu tình không thành công. . Nhưng nếu có luật thì việc quản lý dễ dàng hơn và người dân cũng biết để thực hiện tốt hơn quyền của mình? + Cái này chúng ta có thể quản lý, điều chỉnh bằng cách quy định tạm thời. Ví như TP.HCM, người dân muốn có nhu cầu thể hiện chính kiến thì TP quy định về nộp đơn, số người, xin biểu tình tại đâu, biểu ngữ là gì… . Như vậy sẽ tạo ra các giấy phép con về biểu tình, hơn nữa việc không xây dựng luật sẽ hạn chế quyền của công dân? + Không phải không nên có mà ở thời điểm này chưa nên có. Vì biểu tình chủ yếu xảy ra ở TP và sẽ gây tắc đường, ảnh hưởng kinh doanh mua bán, đi lại của người dân. Ở thời điểm này, VN chưa thích hợp để công nhận các hình thức biểu tình. Đề nghị xây dựng Luật Từ chức Tôi đề nghị cần xây dựng Luật Từ chức để đáp ứng nhu cầu, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch vững mạnh. Đồng thời, với những người đứng đầu, nếu không đủ tài trí thì cũng nên từ chức. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước. ĐBQH ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP.HCM) |
THÀNH VĂN