Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện quỹ đất dành cho giao thông rất thấp. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở này, thông tin: “Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường ở TP.HCM chỉ khoảng 4.155 km, đạt mật độ 1,98 km/km2, trong khi một số quốc gia trong khu vực đạt từ 4-6 km/km2. Tuy nhiên, lượng ô tô, xe gắn máy tăng rất nhanh.
Qua đo đếm, lượng xe qua hầm sông Sài Gòn và trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ năm 2016 tăng 53% so với cùng kỳ năm trước”! Với tỉ lệ tăng như thế, nếu không có giải pháp thì không lâu sau, trục đường xuyên tâm được đầu tư 16.000 tỉ đồng này cũng sẽ quá tải.
Năm 2003, Chính phủ đã đốc thúc Hà Nội, TP.HCM, Bộ GTVT xây dựng đề án và lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Lúc này, tổng số ô tô, xe gắn máy trên địa bàn TP.HCM chỉ chưa đến 2,6 triệu chiếc (gần 222 ngàn ô tô và hơn 2,3 triệu xe máy).
Năm 2006, tổng số xe của TP.HCM là hơn 3,2 triệu chiếc (hơn 296.000 ô tô và hơn 2,9 triệu xe máy). Lúc ấy, đề án giải quyết kẹt xe của TP.HCM giai đoạn 2007-2011 có nêu: “TP.HCM đang đứng trước thách thức lớn bởi sự tăng trưởng mạnh phương tiện giao thông cá nhân và cần có biện pháp hiệu quả để kiềm chế ngay”.
Số xe máy, xe ô tô những năm gần đây tăng vọt. Ảnh: Minh Hoàng
Sau đó, TP.HCM “gạch đầu dòng” một số giải pháp cụ thể như hạn chế xe theo ngày chẵn, lẻ; khống chế hạn ngạch đăng ký xe mới; đấu giá quyền lưu hành; thu phí vào trung tâm nội đô…
Đáng tiếc, các giải pháp trên chỉ dừng lại ở việc “bàn” chứ chưa thực hiện, và đến nay chưa có giải pháp mang tính đột phá nào được áp dụng. Còn bây giờ?
Số ô tô, xe máy ở TP.HCM đã gần 7,9 triệu chiếc, tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước. Đó là chưa kể khoảng hơn 1 triệu xe của các tỉnh, thành khác đang lưu thông ở TP.HCM.
Lượng xe thì tăng hơn gấp đôi, số km đường thì tăng không đáng kể, còn các giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng chỉ là ý tưởng như cách đây hơn 10 năm.
Trện thực tế, hễ khi đưa ra giải pháp hạn chế xe cá nhân thì y như rằng sẽ có ngay thắc mắc, thậm chí phản đối mạnh mẽ, rằng hạn chế thì dân đi bằng gì!
Dường như đây là lý do khiến các nhà làm chính sách, các cơ quan chức năng khá e ngại khi đề cập đến việc hạn chế này.
Trước tỉ lệ tăng ô tô, xe gắn máy rất khủng khiếp như trên thì lúc này, việc thống nhất chủ trương, đặt ra lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe cá nhân (tất nhiên đi kèm đó phải phát triển phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm…) đã rất cấp thiết.
Cảnh kẹt xe ở Hà Nội. Ảnh: Infonet
Nếu chúng ta tránh né đề cập đến việc hạn chế xe cá nhân thì giao thông của các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ đi vào ngõ cụt, không lối thoát. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng: “Hạn chế, tiến tới cấm xe cá nhân”, thay vì sử dụng các cụm từ khác thay thế như “phát triển hài hòa các phương tiện” mà nội hàm vẫn không khác.
Muốn vậy, các cơ quan chức năng phải khẩn trương đề ra lộ trình và quyết liệt thực hiện để giải ngay bài toán kẹt xe.
Một quyết sách đưa ra tất nhiên có tác động tiêu cực ít nhiều đến người dân. Nhưng người dân cũng cần phải chia sẻ với Nhà nước, bởi nếu không thì chính bánh xe cá nhân của người dân cũng sẽ không nhúc nhích được trên đường (trong khi nhu cầu di chuyển là điều tối cần thiết cho cuộc sống).
Và tất nhiên, người dân cũng cần hoạch định lại kế hoạch sở hữu xe cho mình trước chính sách hạn chế, tiến tới cấm xe cá nhân ở đô thị.