Cuộc thi là sân chơi trí tuệ bổ ích liên quan đến pháp luật dân sự dành cho sinh viên trong trường. "Đấu trí dân luật" năm nay đã tạo sức hút rất lớn đối với sinh viên chính quy toàn trường với hơn 2.000 thí sinh đăng ký tham gia vòng sơ loại.
Trải qua vòng sơ loại, ban tổ chức đã chọn được 18 thí sinh xuất sắc nhất chia thành sáu đội thi để tham gia vòng bán kết. Sau vòng bán kết với nhiều thử thách hấp dẫn, ban tổ chức đã chọn được bốn đội xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết.
Ban giám khảo gồm: TS Nguyễn Thị Minh Phượng (thẩm phán TAND quận Gò Vấp), luật sư Trương Thị Hòa, PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng Khoa luật dân sự) (từ phải qua trái). Ảnh: YC
Ban giám khảo cuộc thi gồm "bộ ba quyền lực": PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng Khoa luật dân sự), TS Nguyễn Thị Minh Phượng (thẩm phán TAND quận Gò Vấp), luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Tại đêm chung kết, bốn đội thi phải trải qua bốn vòng thi: Khởi động, Tăng tốc, Chinh phục và Thử tài lập luận.
Nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra khiến cuộc thi thêm sôi động, như trường hợp đương sự thay đổi nơi cư trú dẫn đến thay đổi thẩm quyền của tòa án, tòa án thụ lý phải làm gì? TS Nguyễn Thị Minh Phượng đã giải đáp câu hỏi trên là tòa án phải tiếp tục giải quyết căn cứ theo khoản 3 Điều 39, Điều 471 BLTTDS.
Một câu hỏi khác là công ty B nhận sửa chiếc máy tính của A. Trong thời gian sửa chữa thì máy tính của A bị lấy trộm. Công ty B đề nghị trả cho A chiếc máy tính khác tương đương nhưng A không đồng ý. Vậy A có thể làm gì?
Đáp án của câu hỏi trên là A có quyền kiện yêu cầu công ty B bồi thường thiệt hại giá trị chiếc máy tính (Điều 170 BLDS). Do tài sản là chiếc máy tính đã bị mất nên A không thể kiện đòi lại chiếc máy tính từ B.
Các đội thi. Ảnh: YC
Phần thi dành cho khán giả thêm hài hước và thú vị khi câu chuyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" được đưa ra làm tình huống. Khi vua Hùng băn khoăn không biết chọn Sơn Tinh là chúa của miền non cao hay Thủy Tinh - chúa của vùng nước thẳm để gả con gái, ông đã đặt ra yêu cầu.
Nếu ngày mai ai đem sính lễ đến trước gồm 100 ván cơm nếp, 200 nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì được rước dâu về. Câu hỏi được đặt ra là giả sử áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành thì trường hợp này có dấu hiệu vi phạm điều cấm nào?
Đáp án được đưa ra là tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình cấm yêu sách của cải trong kết hôn. Ở đây có dấu hiệu của hành vi "yêu sách của cải trong kết hôn" vì đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam nữ.
Trải qua bốn vòng thi, đội Sắc màu đã giành được giải nhất. Ảnh: YC
Một câu hỏi khác cũng nhận được sự bàn tán xôn xao của các bạn sinh viên. A (nam) và B (nữ) đã kết hôn hợp pháp. Sau đó, A phát sinh tình cảm với ông C và chuyển sang sống chung với ông C.
Hỏi trường hợp này có vi phạm quy định cấm người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình) hay không?
Một bạn sinh viên đã trả lời chính xác là không vi phạm, vì luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân đồng tính.