Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), vừa ký văn bản kết luận kiểm tra gửi Bộ KH&ĐT. Đối tượng được nhắc tới là Công văn số 1736 của Bộ KH&ĐT gửi Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh ngày 7-3-2017.
Đây chính là văn bản đã khuấy lên tranh cãi về việc kinh doanh nghề “hoạt động pháp luật” được tự do thoải mái theo Luật Doanh nghiệp (hay là thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, phải quản lý theo Luật Luật sư mà PLO đã đề cập).
Theo kết luận kiểm tra này, Công văn 1736 chứa nội dung có tính chất quy phạm pháp luật, buộc việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề “hoạt động pháp luật, tư vấn pháp luật” trên địa bàn Hà Tĩnh phải tuân thủ. Như vậy là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đi vào nội dung cụ thể, Công văn 1736 hướng dẫn: “Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp”.
Đối chiếu Luật Luật sư, Nghị quyết 65 của Quốc hội về thi hành Luật Luật sư, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật là thuộc phạm vi hành nghề luật sư, và từ khi có Luật Luật sư 2016, các tổ chức kinh doanh dịch vụ pháp lý theo Luật Doanh nghiệp đều phải chuyển đổi theo Luật Luật sư. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 đều quy định hành nghề luật sư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và phải tuân thủ theo luật chuyên ngành, trong trường hợp này là Luật Luật sư.
Do đó, nội dung hướng dẫn trên của Bộ KH&ĐT là không phù hợp với các luật được viễn dẫn.
Tranh cãi quanh Công văn 1736 cho thấy giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp đang có quan điểm khác nhau về giải thích, áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư với ngành nghề hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật. Cho đến nay, hai cơ quan này đã có báo cáo Thủ tướng về quan điểm của mình.
Tuy nhiên, trong thẩm quyền của mình, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luât, Bộ Tư pháp, cho rằng nếu thấy cần giải thích luật thì Bộ KH&ĐT phải báo cáo Chính phủ để qua đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan có thẩm quyền giải thích luật theo hiến định. Do đó, việc Bộ ban hành Công văn 1736 có tính chất giải thích Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư là không phù hợp về thẩm quyền.