Đoàn Luật sư TP.HCM lên tiếng về 'tư vấn pháp luật'

Ngày 18,19-6, Báo Pháp luật TP.HCM có bài viết ghi nhận phản ánh tranh cãi giữa một bên là Bộ Tư pháp với một bên là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

Xuất phát điểm của việc tranh cãi này là việc Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ Công văn số 1736/BKHĐT- ĐKKD ngày 7-3-2017 của Bộ KH&ĐT để giải quyết cấp đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh: “Hoạt động pháp luật. Chi tiết: hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật (không theo các hình thức hành nghề của luật sư)” cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên.

Ba  lý do sai của cơ quan cấp phép?

Lý giải cho việc ký kiến nghị này, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề, tập hợp và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ công văn 1736/BKHĐT- ĐKKD ngày 7-3-2017 của Bộ KH&ĐT để chấp thuận cấp bổ sung ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” cho Công ty Thuận Thiên là không đúng pháp luật.

Thứ nhất, công văn này do Chánh Văn phòng Bộ KH&ĐT ký trả lời Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh về việc đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động pháp luật”, không có giá trị của một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho cả nước đối với hoạt động đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, công văn này căn cứ Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10-4-2007 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Quyết định này không còn hiệu lực và đã được phủ quyết bằng Quyết định số 27/2018/QĐTTg ngày 6-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định: “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác (Điều 4). Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật” (Khoản 1 Điều 28).

Tại Nghị quyết 65/2006/NQ-QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, tại Mục 3 điểm đ quy định: “Kể từ ngày Luật Luật sư có hiệu lực, trong thời hạn 06 tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật này; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động”.

Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22-6-2015 quy định rằng chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành nghị quyết để giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh (Điều 3 khoản 3, Điều 16 khoản 2 điểm a).

Trong khi đó, Công văn số 1736 nêu trên, căn cứ Luật Luật sư, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp xác định “Hành nghề luật sư” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng lại tùy tiện giải thích: Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của luật sư thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Việc giải thích như vậy là trái quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Luật sư, vi phạm nghiêm trọng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng từ các phân tích nêu trên cho thấy công văn số 1736 của Bộ KH&ĐT (do Chánh Văn phòng Bộ ký) là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Còn việc Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ bản photocopy công văn này để giải quyết cấp phép đăng ký bổ sung ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, không theo các hình thức hành nghề của luật sư” cho Công ty TNHH tư vấn Bất động sản Thuận Thiên là vi phạm pháp luật.

Quyền tư vấn tư vấn pháp luật?

Trong nội dung kiến nghị, Ban Chủ nhiệm Đooàn Luật sư TP.HCM cũng nêu quan điểm, quy định về việc hành nghề tư vấn pháp luật.

Bộ KH&ĐT và VCCI cho rằng Luật Luật sư không có quy định chỉ có luật sư mới được hành nghề tư vấn pháp luật: Hành nghề luật sư là một “hoạt động pháp luật”, bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (không thể có “tư vấn pháp luật không theo các hình thức hành nghề của luật sư”), đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác (Điều 4 Luật Luật sư). Đây là một hoạt động chuyên môn đặc thù, đòi hỏi trình độ đào tạo cao, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn (Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, quy định mã ngành 69101: Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật).

Vì vậy, hành nghề luật sư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014, khoản 2 Điều 4 và Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014). Do đó, tiêu chuẩn, điều kiện để hành nghề luật sư (hoạt động pháp luật bao gồm tư vấn pháp luật) được quy định rất chặt chẽ: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư (Điều 10, 11 Luật Luật sư).

Trước khi ban hành Luật Luật sư năm 2006, hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý và tư vấn pháp luật diễn ra bát nháo, tràn lan do các tổ chức, cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực, trình độ thực hiện, không cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, gây mất ổn định trật tự xã hội và xâm hại quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, ngay khi ban hành Luật Luật sư năm 2006, Quốc hội đồng thời ban hành Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 về việc thi hành Luật Luật sư, buộc các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục kinh doanh thì phải có đủ điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật Luật sư; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động.

Luật sư Nguyễn Văn Trung thông tin thêm, ngày 30-3-2009, Ban Bí thư đã có chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, nhằm “xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu xã hội, bảo đảm ngày càng có nhiều luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và quốc tế”.

Như vậy, việc cấp đăng ký ngành nghề hoạt động pháp luật “đại diện, hoạt động tư vấn pháp luật” cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại theo Luật Doanh nghiệp là bước thụt lùi, mà hậu quả là khôi phục lại tình trạng bát nháo đã xảy ra cách nay 12 năm, vi phạm Nghị quyết 65/2006/NQ QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội, trái với chủ trương của Chỉ thị 33-CT/TW và không phù hợp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

3 kiến nghị của Đoàn Luật sư TP.HCM

Trên cơ sở những phân tích nói trên, Đoàn Luật sư TP.HCM kiến nghị:

1. Kính đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT tư thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 65/2006/NQ- QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư; chỉ đạo Bộ KH&ĐT thu hồi Công văn số 1736/BKHĐT ĐKKD ngày 7-3-2017.

2. Đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp đã cấp bổ sung ngành nghề “Hoạt động tư vấn pháp luật, chi tiết: Hoạt động đại diện tư vấn, pháp luật (không theo các hình thức hành nghề của luật sư)” đã cấp cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên.

3. Đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tiến hành kiểm tra hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên và xử phạt vi phạm (nếu có) theo Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. 

Ngoài luật sư, ai là người có quyền tư vấn tư vấn pháp luật?

Theo Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 ngày 20/6/2017 quy định:

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 10);

Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng (Điều 27);

Trợ giúp viên pháp lý phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức tốt; có trình đủ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe; không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật (Điều 19).

Với quy định  tiêu chuẩn chặt chẽ trên đây, hầu hết các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM đều là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM

Cụ thể, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 05/2012/NĐ-CP quy định:

Đối tượng áp dụng Nghị định này là tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, sơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật. Hoạt động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận (Điều 1).

Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây: Có năng lực hành vi dân sự sự đầy đủ, phẩm chất tốt ; có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên (Điều 19).

Với quy định nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có tổ chức Trung tâm tư vấn pháp luật. Hầu hết tư vấn viên tại các Trung tâm tư vấn pháp luật đều là luật sư.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ: Tư vấn pháp luật là một hoạt động hành nghề của luật sư. Ngoài luật sư, chỉ có Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Trung tâm Tư vấn pháp luật mới được hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí hoặc không nhằm mục đích lợi nhuận.

   (Trích Kiến nghị của Đoàn Luật sư TP.HCM ngày 20-6-2019) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm