Mấy ngày nay, trên các diễn đàn luật sư (LS), nghề luật nổ ra cuộc tranh cãi về nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý mà lâu nay vẫn hiểu là chỉ LS mới được phép thực hiện. Nguyên nhân là Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tư vấn bất động sản, trong đó có ngành nghề “tư vấn pháp luật”.
Vụ việc điển hình
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên nộp hồ sơ đăng ký bổ sung hai ngành nghề “dịch vụ điều tra” và “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”. Sở nhận thấy hai ngành nghề trên được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật LS và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nên từ chối cấp và yêu cầu doanh nghiệp về hoàn thiện các điều kiện kinh doanh theo luật định.
Tuy nhiên, sau đó Thuận Thiên gửi lại hồ sơ, kèm theo bản sao Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT. Công văn này được ban hành tháng 3-2017 để giải thích chuyên môn cho Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh về việc đăng ký kinh doanh cho nhóm ngành nghề “hoạt động pháp luật”.
Đây là các ngành nghề được mô tả, đánh mã số trong Quyết định 337 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ban hành năm 2007 về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
Trong công văn này, Bộ KH&ĐT cho rằng chỉ có nghề công chứng, chứng thực là kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng. Còn “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” thì được tự do kinh doanh.
Căn cứ của hướng dẫn là Quyết định 337, Luật LS và Luật Đầu tư. Theo đó, chỉ có “hành nghề LS” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tức phải theo Luật LS và chỉ LS và tổ chức hành nghề LS mới được đăng ký kinh doanh.
Trên cơ sở hồ sơ kèm theo Công văn 1736 của Bộ KH&ĐT, cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh của TP.HCM đã chấp thuận cấp bổ sung ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” cho Công ty Thuận Thiên.
Giới luật tranh cãi nảy lửa
Bình luận về việc này, nhiều LS cho rằng việc công nhận ngành nghề tư vấn pháp luật cho một doanh nghiệp bình thường như Thuận Thiên là trái luật. Ngành nghề này là kinh doanh có điều kiện, chỉ công ty luật, tổ chức hành nghề LS theo Luật LS mới được cung ứng.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ phía một số luật gia cho rằng nên giảm bớt rào cản đầu tư kinh doanh để bất cứ ai dù là LS hay không cũng có quyền cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội. Tự thị trường sẽ tạo cơ chế cạnh tranh, sàng lọc, thúc đẩy dịch vụ tốt lên…
Trước các ý kiến khác nhau ấy, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ nguồn tin Bộ KH&ĐT - cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Bộ Tư pháp - cơ quan quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động LS. Thông tin nhận được là lúc này cả hai bộ cũng có ý kiến khác nhau và cả hai đang chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng.
Phía Bộ KH&ĐT cho rằng Luật LS quy định LS, tổ chức hành nghề LS được thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật nhưng không quy định cứng là chỉ LS mới được hành nghề này.
“Ví dụ, tư vấn du học, hôn nhân, rồi tư vấn thuế, tư vấn đầu tư thì ít nhiều đều liên quan đến luật cả. Rồi đại diện pháp lý, đại diện phần vốn tại doanh nghiệp thì đâu nhất thiết phải LS. Đây là bài toán của thị trường, hãy để cho thị trường quyết định, lựa chọn giữa người cung cấp dịch vụ là LS và người không phải LS”, một cán bộ có thẩm quyền thuộc Bộ KH&ĐT bình luận. Ông này cho biết quan điểm của Bộ KH&ĐT cũng được chuyên gia của VCCI ủng hộ.
Còn tin từ phía Bộ Tư pháp thì cho rằng hướng dẫn của Bộ KH&ĐT là hoàn toàn sai, đi ngược lại quan điểm trước đây của hai bộ đã thống nhất.
Cuộc tranh luận từ hơn 10 năm trước
Lục lại các bài viết của Pháp Luật TP.HCM từ 13 năm trước thì đúng là tranh cãi về quyền tự do kinh doanh với ngành nghề dịch vụ pháp lý đã xuất hiện từ khi còn Pháp lệnh LS, khi mới chỉ có loại hình công ty luật hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn được ghi nhận. Năm 2006, khi nâng Pháp lệnh LS lên thành luật, Quốc hội đã bổ sung loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn mà chỉ LS mới có quyền thành lập. Các công ty luật này chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý, đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thay vì Sở KH&ĐT như doanh nghiệp thông thường khác.
Tại thời điểm ấy, thị trường nở rộ các công ty tư vấn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả tư vấn pháp lý. Để đưa vào “khuôn khổ”, cùng với Luật LS, có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, Quốc hội còn ban hành Nghị quyết 65 gồm các điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, trong thời hạn sáu tháng kể từ khi Luật LS có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề LS và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của luật này. Trường hợp không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động.
“Sau khi có Luật LS năm 2006 và nghị quyết của Quốc hội, một số địa phương cũng có vướng mắc trong công tác chuyển đổi cho các công ty kinh doanh dịch vụ pháp lý. Bộ Tư pháp cùng Bộ KH&ĐT đã bàn bạc, thống nhất cùng hướng dẫn cho Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT các địa phương giải quyết theo đúng quy định mới”.
Nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Tư pháp cho biết như trên và khẳng định: “Mọi việc đều ổn thỏa cả. Doanh nghiệp nào không hoạt động dịch vụ pháp lý thì đăng ký rõ ngành như tư vấn thuế, tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp… và tiếp tục hoạt động bình thường. Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị chấm dứt hoạt động vì không chuyển đổi”.
Phải nhờ Thủ tướng phân xử Theo nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Tư pháp, hai, ba năm trở lại đây lại xuất hiện các đề xuất nới bỏ các điều kiện kinh doanh, trong đó có lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Bộ Tư pháp chỉ biết khi Sở Tư pháp một số địa phương báo cáo lên là có xung đột quan điểm với Sở KH&ĐT. Ở cấp bộ đã trao đổi văn bản với nhau, rồi cùng họp bàn nhưng chưa thống nhất được. Vậy nên giờ chuẩn bị báo cáo, nhờ Thủ tướng phân giải. |