Campuchia sẽ đài thọ chi phí cho 6 học viên quân sự bị Mỹ cắt học bổng

Chính phủ Campuchia đã quyết định đài thọ học phí cho sáu sinh viên của mình đang theo học tại các học viện quân sự ưu tú của Mỹ sau khi chính phủ Mỹ quyết định cắt học bổng của họ.

Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nước này lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, vốn đã khiến quan hệ giữa Washington và Phnom Penh trở nên căng thẳng.

Tờ The Phnom Penh Post ngày 4-7 đưa tin chính phủ Campuchia sẽ đài thọ toàn bộ học phí còn lại cho họ với tổng trị giá 1,1 triệu USD, cho đến khi họ hoàn thành chương trình đào tạo tại bốn học viện quân sự của Mỹ.

The Phnom Penh Post dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết quyết định chấm dứt học bổng là do Mỹ đơn phương đưa ra và Campuchia đang liên hệ với các cơ quan liên quan của Mỹ về vấn đề này.

Theo một tài liệu do tờ báo trên thu thập được, hai trong số sáu sinh viên Campuchia đang theo học tại học viện quân sự West Point danh tiếng của Mỹ và dự kiến sẽ tốt nghiệp lần lượt vào các năm 2022 và 2024.

Hai người khác đang theo học tại Học viện Không quân Mỹ. Người thứ năm học tại Học viện Hải quân Mỹ và người còn lại học tại Học viện Cảnh sát biển Mỹ.

Việc Mỹ ngừng cấp học bổng cho các sinh viên Campuchia được xem là đỉnh điểm căng thẳng giữa hai nước bắt đầu từ việc phá hủy hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan hồi năm ngoái.

Vị trí chiến lược của căn cứ Ream giúp tăng cường khả năng tiếp cận Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đưa ra những yêu sách hàng hải bất hợp pháp. Đã có những lo ngại về việc Trung Quốc có đặc quyền tiếp cận căn cứ Ream và cũng đã tài trợ cho các công trình nâng cấp tại cảng này.

Hai trong sáu sinh viên Campuchia được chính phủ nước này tài trợ học phí (đứng giữa) chụp ảnh chung với Đại sứ và tùy viên quân sự Mỹ. Ảnh: THE PHNOM PENH POST

Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố rằng các nước khác cũng có thể xin phép cho tàu cập cảng, tiếp nhiên liệu hoặc tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội nước chủ nhà.

Trong chuyến thăm Campuchia vào tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tuyên bố rằng một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đó sẽ đe dọa an ninh khu vực và làm tổn thương quan hệ giữa Mỹ và Campuchia, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ông Hun Sen sau đó nói rằng các quan chức đại sứ quán Mỹ có thể thường xuyên đến thăm căn cứ, và tùy viên quân sự Mỹ - Đại tá Marcus Ferrara đã được đưa đến thăm căn cứ nhưng ông này sau đó cho biết đã bị từ chối quyền “tiếp cận đầy đủ” trong chuyến thăm này.

Trong một báo cáo đưa ra vào ngày 21-5, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á – có trụ sở tại Washington – dẫn hình ảnh vệ tinh cho biết  hai tòa nhà đã nhanh chóng được xây dựng tại căn cứ này vào tháng 4 và tháng 5.

Trung Quốc và Campuchia trước đó đã phủ nhận một báo cáo hồi năm 2019 của The Wall Street Journal rằng họ đã ký một “thỏa thuận bí mật” để Bắc Kinh “cắt đặt binh sĩ, cất giữ vũ khí và cập bến tàu chiến” ở quân cảng Ream.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cũng nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream, nhưng sẽ không có đặc quyền sử dụng căn cứ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới