Ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân Ream của Campuchia, song sẽ không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận căn cứ này, theo hãng tin Reuters.
Động thái trên một lần nữa khiến dư luận hoài nghi về khả năng Trung Quốc tăng cường hiện diện tại căn cứ này, kể từ khi tờ Wall Street Journal hồi năm 2019 tiết lộ Phnom Penh đã ký một “thỏa thuận bí mật” cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận quân cảng Ream trên Vịnh Thái Lan.
Ngoài ra, ý nghĩa của căn cứ Ream trong mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc và Mỹ, cũng như lợi thế mà Trung Quốc có thể có được qua việc giúp Campuchia nâng cấp quân cảng này cũng là các chủ đề mà dư luận quan tâm.
Lo ngại về sự hiện diện gia tăng của TQ tại quân cảng Ream
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong báo cáo cập nhật hôm 21-5, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tòa nhà đã được xây dựng cấp tốc tại căn cứ Ream của Campuchia.
Các tòa nhà này được xây ở khu vực phía bắc nơi từng đặt cơ sở do Mỹ tài trợ, vốn bị giới chức Campuchia phá dỡ hồi năm 2020.
Ảnh vệ tinh hai tòa nhà được xây dựng cấp tốc tại căn cứ Ream của Campuchia. Ảnh: CSIS/AMTI/MAXAR
Ảnh vệ tinh cho thấy việc san ủi mặt bằng bắt đầu sau ngày 17-4, công trình bắt đầu được xây dựng từ đầu tháng 5 và hoàn thành hôm 21-5. Phần mở rộng có thể bao gồm một cảng mới được nạo vét và một cơ sở sửa chữa tàu thuyền.
"Tốc độ xây dựng chóng mặt ở Ream và việc thiếu thông tin làm dấy lên lo ngại rằng hoạt động nâng cấp tại căn cứ phục vụ lợi ích cho cả Campuchia lẫn Trung Quốc" - báo cáo của AMTI cho biết.
SCMP dẫn lời chuyên gia Bunna Vann tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định hai tòa nhà mới tại căn cứ Ream được xây dựng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, nằm gần như cùng khu vực nơi cơ sở cũ do Mỹ tài trợ bị phá dỡ.
"Điều này cho thấy Trung Quốc là động lực lớn để Campuchia phá dỡ các tòa nhà do Mỹ tài trợ, có thể khiến Washington khó chịu hơn với Phnom Penh và gây rắc rối cho quan hệ hai nước" – ông Vann nhận định.
Yếu tố Mỹ-Trung
Theo báo cáo của AMTI, các tòa nhà mới tại căn cứ Ream dường như đã được hoàn thành trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có chuyến thăm đến thủ đô Phnom Penh vào ngày 1-6, trong khuôn khổ chuyến công du của quan chức cấp cao đầu tiên thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AFP
SCMP dẫn lời chuyên gia Sovinda Po thuộc Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định thời điểm hoàn thành dự án xây dựng trên cho thấy Campuchia có thể muốn "lấy Trung Quốc ra mặc cả với Mỹ".
"Mục đích chính của họ là đạt được nhiều đòn bẩy hơn trong đàm phán với Mỹ, bao gồm các vấn đề như dân chủ, nhân quyền và sự hiện diện của Trung Quốc ở Campuchia" – ông Po cho biết.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm đến Campuchia hôm 1-6, Thứ trưởng Sherman đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự và việc xây dựng các công trình của Trung Quốc trong căn cứ hải quân Ream ở vịnh Thái Lan".
Về vấn đề Trung Quốc, chuyên gia Po nhận định "Campuchia có khả năng bảo vệ quan điểm rằng họ không phải là quốc gia ủy nhiệm hay phụ thuộc Trung Quốc”, nói thêm rằng “các quan chức Campuchia sẽ nhấn mạnh chính sách đối ngoại độc lập và hiến pháp của đất nước".
Theo ông Po, Campuchia gần đây bị cho là "tỏ thái độ thân thiện quá mức" với Trung Quốc và không tính đến các mối quan ngại của Mỹ, điều khiến Washington "cảm thấy không thoải mái".
Trước đó, phát biểu trong diễn đàn với các lãnh đạo châu Á hôm 20-5, Thủ tướng Hun Sen đã bảo vệ lập trường của Campuchia trước những chỉ trích rằng nước này đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
"Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai? Không hỏi Trung Quốc thì hỏi ai?" - ông Hun Sen nói.
Liệu Ream sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế?
Theo tạp chí The Diplomat, nếu hiện diện ở quân cảng Ream, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu một hệ thống trung gian quan trọng trong mạng lưới hoạt động quân sự ở khu vực cửa ngõ kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Căn cứ Ream cũng có thể đóng vai trò là điểm dừng chân để Trung Quốc bảo vệ và kiểm soát các tuyến đường vận chuyển của họ ở eo biển Malacca – một điểm nghẽn có nhiều cướp biển và có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh, do phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng qua eo biển này.
Tuy nhiên, xét về mặt địa lý của Campuchia - một yếu tố rất quan trọng trong việc định hình chiến lược quân sự, Trung Quốc được đánh giá là khó có thể giành được nhiều lợi thế chiến lược khi hiện diện khí tài quân sự trên bờ biển Vương quốc này.
Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: FRESH NEWS
Theo The Diplomat, vùng biển ngoài khơi Campuchia thuộc Vịnh Thái Lan, với độ sâu trung bình khoảng 50 mét, là không đủ sâu để Trung Quốc khai thác hết sức mạnh hải quân. Trong khi đó, quân cảng Ream tọa lạc trong vịnh Kampong Som, với mực nước chỉ sâu từ 5-10 mét.
Khả năng Trung Quốc sử dụng tàu ngầm - một trong những vũ khí then chốt trong mọi hoạt động hải quân – cũng sẽ là không thực tế. Để đảm bảo khả năng tấn công, tàu ngầm phải hạn chế phát ra tiếng ồn và duy trì sóng điện từ thấp nhằm tránh bị radar phát hiện.
Ngoài ra, việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ ở Campuchia còn có thể kích động sự leo thang an ninh của các nước láng giềng nước này, trong khi mang lại lợi thế chiến lược tương đối ít ỏi cho Bắc Kinh.
Điều này xuất phát từ sự phát triển an ninh của các quốc gia láng giềng Campuchia và mối liên hệ của họ với Mỹ, điển hình là Thái Lan, theo The Diplomat.
Nhìn bên ngoài, Thái Lan những năm gần đây dường như đang xích lại gần Bắc Kinh và xa rời Washington.
Tuy nhiên, bên cạnh việc gia tăng các thỏa thuận vũ trang và các cuộc tập trận quân sự với Trung Quốc, chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hồi năm 2019 đã ký hợp đồng mua vũ khí trị giá 400 triệu USD với Mỹ.
Cuối cùng, lợi ích của bất kỳ thỏa thuận quân sự nào giữa Trung Quốc với Thái Lan dường như sẽ phải dựa vào việc xây dựng kênh đào Kra, một dự án mà Bắc Kinh rất quan tâm trong những năm gần đây.
Theo The Diplomat, Thái Lan không sẵn sàng ủng hộ việc bất kỳ cường quốc bên ngoài nào tranh giành quyền lực trong khu vực, trong bối cảnh các tiền đồn của Trung Quốc ở Campuchia có khả năng khiến Bangkok cân nhắc việc ký kết các thỏa thuận an ninh với Mỹ và các đối tác, vốn chỉ khiến quan hệ với Bắc Kinh căng thẳng hơn.