Hôm qua (20-2), Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức hội thảo Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Các tham luận đều thống nhất cao rằng tác phẩm Người viết với chưa đầy 700 chữ cách đây 40 năm ấy chính là lời dự báo và cảnh báo nghiêm khắc với Đảng, là di chúc chính trị thiêng liêng hàm chứa suy nghĩ sâu xa và đầy trăn trở của Người.
Tính thời sự nóng hổi
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Bùi Kim Hồng và Giám đốc Học viện Chính trị-hành chính quốc gia Lê Hữu Nghĩa đều khẳng định việc nghiên cứu, học tập và thực hiện tác phẩm này có ý nghĩa thời sự sâu sắc trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những công việc có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ.
GS-TS Hoàng Chí Bảo, thư ký Hội đồng lý luận trung ương, phân tích: Hơn ai hết, Người hiểu rằng đạo đức như cái đập chắn sóng, ngăn ngừa sự thoái hóa, tha hóa chính trị. Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì xây dựng đạo đức cách mạng lại càng phải chú trọng. “Nhớ lại, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: Một đảng ngày hôm qua là vĩ đại và anh hùng thì ngày hôm nay không nhất định và mãi mãi là như vậy nếu không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được những yếu kém, sai lầm và thoái hóa. Leo dốc lên đỉnh núi thì khó thật mà tụt xuống dốc thì dễ thôi” - GS Bảo nói.
Vẫn theo GS Bảo, hiện nay chủ nghĩa cá nhân không chỉ xuất hiện trong xã hội mà còn lây lan, thẩm thấu vào trong Đảng. “Căn bệnh chủ nghĩa cá nhân mà Bác đã nêu ngày nay vẫn còn đang tồn tại, thậm chí còn tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Cơ hội chủ nghĩa và thoái hóa đạo đức đi sóng đôi với nhau đang bộc lộ sự nguy hiểm của nó. Chúng ta đang đối mặt với những biểu hiện giả cách mạng, giả chính trị, giả khoa học và cả giả đạo đức nữa. Cho dù là số ít nhưng không thể xem thường” - GS Bảo nhấn mạnh.
Phải nhổ sạch cỏ...
Không nén được xúc động trong lúc trình bày tham luận, nhà báo lão thành Hữu Thọ nói: “Đã qua 40 năm, đã có nhiều nghị quyết, hướng dẫn của Đảng và nhà nước, riêng tôi nghĩ không thấy có biện pháp nào mới hơn, chỉ có điều các biện pháp đó đều làm chưa tốt, có biện pháp làm rất ít hiệu quả. Do đó các tiêu cực do chủ nghĩa cá nhân sinh ra vẫn cứ phát triển ngày một nghiêm trọng. Từ “một số ít” đến “một số”, “một số không nhỏ” mắc tiêu cực, từ chỗ chỉ là cán bộ sơ cấp, trung cấp, cán bộ thừa hành tới chỗ “không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ cao cấp còn thiếu gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất, đạo đức” như Nghị quyết Trung ương 3 đã nêu”.
Đối với việc chống chủ nghĩa cá nhân, nhà báo Hữu Thọ cho rằng về lâu dài thì công tác xây dựng Đảng lấy phòng ngừa làm trọng tâm nhưng trong giai đoạn cấp bách này thì phải nhấn mạnh công tác đấu tranh. “Có bệnh rồi phải vào bệnh viện mà cứ nói lấy phòng bệnh làm trọng thì không biết sẽ chết lúc nào” - ông ví von và nói thêm: “Chính Bác cũng nhấn mạnh rằng: Phải nhổ cho sạch cỏ thì cây cối mới mọc lên được!”.
Giáo dục kết hợp với pháp trị
Theo GS sử học Đinh Xuân Lâm, chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nguy hiểm nhất, là nguyên nhân của mọi sai lầm và sa ngã. Liên hệ với thực tế, GS Lâm cho rằng biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là đáng lo ngại. “Nạn tham nhũng, tình trạng suy thoái về đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy đảng và nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với đảng, đối với chế độ bị xói mòn, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước bị thi hành sai lệch...” - GS Lâm phân tích.
Trong tham luận của mình, PGS-TS Bùi Đình Phong cho biết Bác lý giải tham nhũng là bệnh của những người có quyền lực, lạm dụng quyền lực cộng với lòng tham để nhũng nhiễu dân. Muốn chống tham nhũng phải chống cả xa xỉ, vì xa xỉ mà sinh ra tham nhũng. Mà chống tham nhũng trước hết là chống tham quyền. Chống tham nhũng phải bằng giáo dục, công tác tư tưởng. Nhưng chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể xóa bỏ được tham nhũng mà phải kết hợp chặt chẽ với pháp luật, mà quan trọng là tính khoa học và minh bạch của bộ máy. Đồng thời, phải dùng cả “pháp trị” với tính nghiêm minh của pháp luật, phép nước theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Trân trọng lợi ích cá nhân chân chính Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc phân biệt chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, GS-TS Lê Hữu Nghĩa (ảnh) - Giám đốc Học viện Chính trị-hành chính quốc gia nói: Ban đầu khi đặt bút viết tác phẩm này, Người đã đặt vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lên trên vế “nâng cao đạo đức cách mạng”. Bởi vì Người cho rằng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới có thể nâng cao được đạo đức, xây dựng được đạo đức cách mạng. (Sau này, các đồng chí trong Bộ Chính trị góp ý nên Bác đổi vị trí hai vế trên như tác phẩm đã công bố). Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, là kẻ thù của cách mạng. Tuy nhiên, đối với Người, việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ lợi ích cá nhân. Người phân biệt rất rõ giữa chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chân chính và Người trân trọng lợi ích cá nhân chân chính. Hơn ai hết, Người hiểu rằng bảo vệ lợi ích cá nhân chân chính là tôn trọng động lực của sự phát triển. Chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là giày xéo lên lợi ích cá nhân mà quan tâm đến lợi ích cá nhân, là quan tâm đến con người, quan tâm đến xây dựng con người. |
------------------
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Họ tên độc giả: Nguyễn Công Nam
Địa chỉ: Hanoi
Điện thoại:
Email: congd...
Tôi có tra cứu về chủ nghĩa cá nhân. Đó là một chủ nghĩa tiến bộ khi chế độ phong kiến đang trên đà tan rã. Chủ nghĩa này muốn giải phóng con người. Hoàn toàn khác với "chủ nghĩa cá nhân" mà báo chí và mọi văn bản của VN coi là rất xấu.
Có tài liệu vạch rõ: Có sự nhầm lẫn chủ nghĩa cá nhân (tốt) với chủ nghĩa vị kỷ (xấu). VN đang hội nhập, không thể cứ tưng tửng giữ một khái niệm khác với khái niệm phổ quát của thế giới. Cần làm rõ điều này, ít nhất là để tiếng Việt trong sáng. Chưa cần nói chuyện hoà nhập.
LÊ KIÊN