Mất ngủ hiện nay trong y khoa không đơn thuần một loại bệnh mà còn là trạng thái do stress, áp lực công việc gây ra. Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt ở đô thị, không chỉ người già, trung niên, phụ nữ mãn kinh mà ngay cả đối tượng rất trẻ (23 - 30 tuổi) cũng thường xuyên phải đối mặt với chứng mất ngủ.
Mất ngủ là biểu hiện thường gặp nhất của trạng thái stress, những lo âu căng thẳng bức xúc trong cuộc sống, công việc, học hành không giải quyết được ngay mà để tích tụ trong tâm trí và đem vào giấc ngủ.
Mất ngủ có thể là biểu hiện của nhiều bệnh. Ảnh minh họa:avenueacu |
Mất ngủ là những thay đổi trong biểu hiện giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, không duy trì được giấc ngủ, ngủ không yên giấc, tỉnh giấc giữa khuya. Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như ngưng thở khi ngủ, thở ngáy, cử động bất thường trong giấc ngủ, ác mộng, hành vi bất thường như mộng du và chứng ngủ ngày quá độ.
Mất ngủ có thể do hay là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Các bệnh thực thể như đau nhức mãn tính, tiểu đêm, cường giáp, bệnh tim phổi, chứng trào ngược thực quản dạ dày… Mất ngủ do thuốc như thuốc trị cao huyết áp, thuốc giảm đau có chứa caffeine… cho đến các bệnh tâm trí đặc biệt là trầm cảm.
Lời khuyên khi mất ngủ
Khi mất ngủ không nên lạm dụng thuốc ngủ. Thuốc ngủ chỉ giải quyết 30-50% vấn đề và chỉ giải quyết được bề nổi của bệnh. Thuốc chỉ trợ giúp nhanh chóng vấn đề mất ngủ trước mắt còn tác hại lâu dài có thể sẽ bị lệ thuộc thuốc. Không nên tự ý sử dụng mà phải có chỉ định rõ ràng của bác sĩ chuyên khoa về cách dùng, liều lượng cũng như thời hạn dùng thuốc.
Nếu dùng thuốc trợ giúp giấc ngủ phải kết hợp song song với những biện pháp thư giãn, vệ sinh giấc ngủ như tập đi ngủ đúng giờ, tạo môi trường xung quanh thoải mái cho giấc ngủ. Tránh các hoạt động có tính kích thích trước khi ngủ như xem phim kinh dị…
Sau khi áp dụng những biện pháp không dùng thuốc mà không thành công hay không được như ý thì bác sĩ sẽ dùng thuốc trợ giúp ngủ. Tùy trường hợp cá nhân cụ thể mà chọn loại nào thích hợp. Thường dùng với liều thấp nhất có thể được mà đạt hiệu quả, tăng dần nếu chưa đạt yêu cầu. Sau đó khi ngủ tốt rồi thì sẽ gỉảm dần cả về liệu lượng lẫn thời gian dùng.
Tùy trường hợp cụ thể mà chọn loại thuốc thích hợp. Ví dụ nếu khó đi vào giấc ngủ thì sẽ dùng loại thuốc có tác dụng nhanh và ngắn hạn để giúp bệnh nhân rơi vào giấc ngủ nhanh. Nếu khó duy trì giấc ngủ như tỉnh giấc giữa khuya thì dùng loại tác dụng chậm và kéo dài. Hoặc nếu cần có thể dùng loại tác dụng kép gồm 2 thành phần, phần phóng thích tác dụng nhanh kết hợp phần còn lại phóng thích từ từ.
Trong mọi trường hợp mất ngủ, không nên dùng rượu bia như một biện pháp chữa cháy mặc dù trạng thái xay xỉn do bia rượu làm người ta buồn ngủ nhưng sẽ ngủ không sâu.
Có thể cải thiện tình hình bằng cách vận động thư giãn, tạo thói quen đi ngủ đúng giờ ngay cả cuối tuần. Không ăn quá no vào buổi tối, tránh dùng các chất kích thích vào buổi chiều tối và không sa đà vào bia rượu như cách để giải quyết stress.
Theo VNE/Bác sĩ Đỗ Đức Tín
Bệnh viện Quốc tế Thành Đô