Thứ nhất là nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ; thứ hai là các văn bản pháp luật về chống tham nhũng của ta chưa đầy đủ, không rõ ràng, chưa minh bạch, việc tổ chức thực hiện cũng chưa tốt.
Cái quan trọng nhất để chống tham nhũng là kê khai tài sản. Đối với những cán bộ mà có nhiều tài sản thì phải đặt dấu hỏi nguồn gốc tài sản ở đâu. Nhưng cách tổ chức thực hiện của chúng ta, kể cả văn bản của chúng ta vẫn chỉ chung chung. Cho nên theo tôi, việc kê khai tài sản vẫn chỉ dưới mức thực chất họ có, thậm chí việc kê khai chỉ dưới 10% thôi, họ tìm mọi cách để tránh. Cái này Đảng và Nhà nước cần phải làm rõ vấn đề này để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
(Theo Lao Động)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:
Đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế là yêu cầu cấp bách
Nhìn lại 30 năm qua, thành tựu lớn nhất là chúng ta đã phát triển được nền kinh tế thị trường, làm thay đổi cuộc sống, làm đất nước phát triển. Nhưng 70 năm qua, cơ cấu tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể hầu như không thay đổi. Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định. Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị...
Đây là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho những đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả đối với đất nước và dân tộc.
(Theo Vneconomy)