Không chỉ ở nông thôn, một số gia đình tại thành thị cũng hay thỉnh và đặt những bức tượng Phật hoặc các nhân vật được họ kính trọng, ngưỡng mộ trong sân nhà, trên sân thượng. Sự việc vô cùng bình thường bao lâu nay bỗng hóa ra phức tạp và rắc rối bởi có quan điểm cho hay luật yêu cầu tượng đài phải theo quy hoạch, phải được cấp phép xây dựng. Ý kiến này đúng hay sai? Đúng mà sai!
Đúng ở chỗ Thông tư 15/2016 của Bộ Xây dựng có hẳn điều khoản quy định về thủ tục cấp phép tượng đài, tranh hoành tráng. Theo đó, khoản 5 Điều 8 yêu cầu trường hợp này phải xin phép xây dựng và có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, di tích lịch sử.
Hộ ông Tống Hồ Phương ở xã Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng đã không được xã cho phép đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo trong sân nhà. Ảnh: Gia đình ông Phương cung cấp
Nhưng cái sai là từ quy định trên, một số nơi suy ra rằng đối với tượng đặt trong sân nhà của người dân thì cũng phải áp dụng. Đó là cách nghĩ máy móc, chưa xem xét hết các quy định pháp luật và đặt trong tổng thể, dẫn đến làm khó dân. Bởi lẽ quy định này không áp dụng đối với những trường hợp đặt tượng khuôn viên nhà người dân. Tượng đài, tranh hoành tráng theo Thông tư 15 là những công trình đặt tại không gian công cộng, có ý nghĩa lịch sử văn hóa nên bắt buộc phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa là cần thiết.
Chính vì chỉ áp dụng cho các công trình lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng nên các yêu cầu tiếp theo tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 15 mới đòi hỏi hồ sơ xin phép xây dựng phải có “sơ đồ vị trí công trình tỉ lệ 1/500, bản vẽ mặt bằng tỉ lệ 1/100-1/500, bản vẽ mặt đứng, mặt cắt công trình….”. Nếu đọc tiếp yêu cầu thì chắc chắn sẽ hiểu ngay những yêu cầu này là áp dụng cho công trình tượng đài quy mô lớn, nằm ở không gian công cộng. Không cơ quan tài nguyên môi trường nào thụ lý hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng vài mét vuông đất trong sân nhà thành đất làm bệ tượng, không cơ quan nào cấp phép xây dựng cho bệ tượng đặt trong sân vì không có loại đất này, thủ tục này trong quy định.
Chúng ta thường hay trách hệ thống pháp luật không đủ, luật không theo kịp cuộc sống nên nhiều trường hợp bị bỏ trống, không biết giải quyết ra sao. Đó là một khuyết điểm của hệ thống pháp luật hiện hành. Nhưng cũng vô cùng dở nếu pháp luật đã rõ ràng mà bị vận dụng sai do cơ quan áp dụng hay cán bộ thực hiện pháp luật hiểu quy định không đầy đủ, máy móc. Trường hợp nào đi nữa thì cũng hết sức khổ sở cho dân khi chạy vạy đầu này đầu kia mà không biết làm sao đáp ứng được yêu cầu trong khi những nhu cầu, quyền lợi chính đáng của họ lại bị trì hoãn bởi những lý do… lãng xẹt.
BẢO NGUYÊN (Tây Ninh)