Gia đình ông Tống Hồ Phương (thôn Kinh Tế Mới thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vừa có đơn thư khiếu nại về việc chính quyền địa phương không cho phép gia đình ông đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo trên bục cao trong khuôn viên nhà ông.
Chiều 10-1, anh Nguyễn Xuân Quang (cháu ông Phương) cho biết gia đình ông Phương có đặt mua một bức tượng nghệ thuật tạc danh tướng Trần Hưng Đạo do các nghệ nhân ở làng đá Non Nước (Đà Nẵng) chạm khắc, phiên bản do Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.
Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương. Ảnh: Cháu ông Phương cung cấp
Theo anh Quang, trước khi mang tượng về khoảng 10 ngày, gia đình ông Phương có lên Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng xin phép. Cán bộ nơi đây nói không nằm trong danh mục phải có giấy phép, cũng không thuộc diện cấm nên gia đình cứ làm.
Thế nhưng khoảng 15 giờ ngày 4-1, khi gia đình đang dựng tượng lên bục, thì trưởng Công an xã Ninh Gia đến yêu cầu hạ xuống. Khoảng hai tiếng sau chủ tịch, phó chủ tịch xã cũng có mặt yêu cầu gia đình hạ tượng. Những người trong gia đình ông Phương yêu cầu xã đưa ra văn bản cho rằng việc làm của mình thuộc diện bị cấm thì đại diện xã không có.
Từ hôm đó ngày nào xã cũng cho người vào nói gia đình phải hạ tượng xuống. Có lần cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Trọng cùng đi với chính quyền xã và cũng yêu cầu tương tự nhưng gia đình ông Phương không làm theo vì cho rằng pháp luật không cấm.
Ngày 6-1, cán bộ địa chính xã đến lập biên bản vì cho rằng gia đình ông Phương đã có hành vi vi phạm khi xây dựng cái bục (cao 1 m, rộng 90 cm) trái phép. Anh Quang kể: “Đại diện UBND xã nói hành vi này có thể bị xử phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nhưng đến nay thì xã chưa có quyết định xử phạt hành chính. Họ bảo gia đình đặt bức tượng ở đâu cũng được nhưng không được đặt lên cái bục”. Sau đó xã nói cho gia đình hạn 60 ngày phải hạ tượng xuống, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế.
Chiều cùng ngày trao đổi vớiPháp Luật TP.HCMqua điện thoại ông Nguyễn Ngọc Huyên, chủ tịch UBND xã Ninh Gia, xác nhận sự việc trên. Theo ông Huyên, việc xây dựng bục đặt tượng của gia đình ông Phương là vi phạm, nên đã lập biên bản vi phạm. Cụ thể là có hành vi xây dựng công trình xây dựng khác không có giấy phép. Hiện xã đang trong quá trình xử lý nên sẽ thông báo kết quả sau.
Cũng theo ông Huyên, xã không có thẩm quyền trong việc cho phép hay không cho việc sở hữu bức tượng. Nhưng khi đặt bức tượng đó lên cái bục thì không được vì cái bục là công trình vi phạm. Việc ông Phương có được sử dụng bức tượng hay không phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là ngành văn hóa cụ thể là phòng Văn hóa thông tin huyện và Sở VH-TT&DL.
“Gia đình nói là Sở cho phép nhưng chúng tôi chưa thấy văn bản nào, chỉ là nói miệng thôi. Tôi nghĩ gia đình phải lập hồ sơ xin phép, nếu Sở cấp hoặc không cấp thì cũng phải có trả lời bằng văn bản, thì mới đúng quy định” - ông Huyên cho biết.
"Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho hay: “Thực ra về luật thì không ngăn cấm việc người dân làm tượng để trong khuôn viên trong nhà, trong đất của người dân, nếu có vấn đề gì không hợp lý thì nên làm theo hình thức vận động tuyên truyền chứ không có quy định nào cấm việc đó cả”. |