GIÁM ÐỐC SỞ TƯ PHÁP TP.HCM HUỲNH VĂN HẠNH:

Cán bộ phải hiểu dân, hiểu thời cuộc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngay thềm năm mới Bính Thân 2016, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh chia sẻ: “Sự gương mẫu của người đứng đầu đối với công chức, viên chức là hết sức quan trọng. Nếu người đứng đầu đơn vị có bản lĩnh, có năng lực, có đạo đức và quan trọng nhất là tâm huyết với TP, với đất nước, đặt mình vào vị trí của nhân dân, doanh nghiệp (DN), thấu hiểu nỗi khổ của dân, nhất là dân nghèo, hiểu những gian truân của DN để tìm biện pháp giải quyết thì sẽ truyền lửa được cho mọi người cùng góp sức vì sự nghiệp chung”.

Cần xóa bỏ các rào cản pháp lý

. Phóng viên: Những thách thức nào về mặt pháp lý đặt ra với TP.HCM khi Việt Nam bước vào hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Việc nước ta tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo cho TP.HCM nhiều cơ hội trong việc hợp tác phát triển kinh tế và hội nhập nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Ở khía cạnh pháp lý, yêu cầu đầu tiên đặt ra là việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách, pháp luật từ trung ương đến địa phương cho phù hợp với các cam kết tại các hiệp định, pháp luật và thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các cơ quan quản lý và các DN để từng bước xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, tránh mâu thuẫn xung đột giữa pháp luật trong nước với quốc tế.

Cùng đó là việc nâng cao nhận thức pháp lý của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước để chủ động trong hội nhập, hợp tác thương mại đầu tư. Nhất là việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các hiệp định để nắm bắt cơ hội, đồng thời hạn chế các rủi ro về mặt pháp lý. Vì khi đã hội nhập kinh tế quốc tế thì không chỉ DN mà ngay cả cơ quan nhà nước cũng có nguy cơ bị kiện ra tòa án, trọng tài quốc tế, đối mặt với những thách thức trong vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài.

Không còn cách nào khác, muốn hội nhập và hợp tác tốt, chúng ta cần phải nắm rõ “luật chơi” quốc tế, các tiêu chuẩn, luật lệ đối tác đặt ra, đồng thời cũng phải nắm chắc luật pháp trong nước. Từ đây mới hạn chế các tranh chấp phát sinh, đảm bảo quan hệ hợp tác lâu dài với các nước đối tác.

. Để phù hợp và thích ứng với yêu cầu hội nhập, năm 2016 TP.HCM cần có những điều chỉnh, bổ sung ở các lĩnh vực như thế nào?

+ Trong công tác quản lý, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của TP nhằm tạo ra cơ chế quản lý hoạt động đầu tư hiệu quả và phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo kiểm soát và quản lý được chất lượng hoạt động đầu tư vào TP.HCM, tránh tình trạng đầu tư nhiều về số lượng nhưng kém về chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TP và khu vực.

Song song đó cần tiến hành rà soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà đầu tư và DN, xóa bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và mở rộng thị trường một cách dễ dàng.

Phải xem việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN là trách nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không phải đó quyền, là sự ban phát. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Xử lý triệt để phản ánh, bức xúc của dân

. Như ông nói, cải cách hành chính (CCHC) là vấn đề quan trọng khi hội nhập. Tuy nhiên, thời gian qua người dân và DN vẫn chưa hết than phiền về những phiền hà trong vấn đề này, thưa ông?

+ Nhìn tổng thể một chặng đường năm năm của công tác cải cách và kiểm soát TTHC (2010-2015), TP.HCM đã có những chuyển mình rõ nét và đạt được nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận, nhất là công tác minh bạch công khai thông tin về TTHC và tình hình giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đối với các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về TTHC, đa dạng hóa cách thức thực hiện TTHC thuận lợi cho người dân, DN lựa chọn… Tuy nhiên, chúng ta hay đề cập đến thuật ngữ “chỉ số hài lòng” như một thước đo, vậy thì khi một người dân, DN chưa hết than phiền thì rõ ràng TTHC của chúng ta còn có vấn đề hạn chế.

Thủ tục - mặc dù đã thường xuyên được rà soát đơn giản hóa nhưng TTHC trong một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, khó hiểu, khó thực hiện đối với người dân, DN và đôi khi còn khó cả đối với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó yếu tố minh bạch, công khai TTHC cũng chưa đạt yêu cầu. Chính sự phức tạp, khó hiểu, chưa minh bạch đó sẽ làm khó người dân, DN.

. Rõ ràng chúng ta đã tiến hành CCHC suốt bao năm qua, cho đến lúc này theo ông, đâu là giải pháp mang tính mấu chốt để CCHC đạt hiệu quả như yêu cầu đặt ra?

+ Trước hết cần nói rõ là đối với công tác CCHC, khi đề cập đến giải pháp thì luôn luôn là các giải pháp và phải thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Không có một giải pháp riêng lẻ cho vấn đề này. Trong các giải pháp đó, theo tôi, việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với hiệu quả cải cách TTHC của một đơn vị.

Người đứng đầu phải làm sao để công chức thuộc quyền (nhất là công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC) nhận thức đủ và đúng tầm quan trọng của công tác CCHC để từng người thực sự hiểu giải quyết TTHC cho dân, DN là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chứ không phải đó là quyền, là sự ban ơn. Vì hiện nay vẫn còn một bộ phận công chức cho đây là quyền nên giải quyết cho dân, DN theo kiểu ban phát, xin-cho hoặc khi gặp khó là đẩy hết cái khó cho người dân, DN. Ông bà ta nói “nhận thức dẫn dắt hành vi”, tôi cho rằng một khi công chức hiểu đúng, hiểu đủ trách nhiệm của mình thì tình trạng làm khó sẽ được giải quyết cơ bản.

Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm tiếp nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của dân, DN về giải quyết TTHC của đơn vị. Ở đây tôi muốn đề cập đến yếu tố là người đứng đầu đơn vị hãy quyết liệt hơn nữa, chủ động hơn nữa trong tiếp nhận và xử lý triệt để các kiến nghị của dân, DN. Hãy làm sao để đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh của người dân, DN thực sự “nóng” - kịp thời tiếp nhận, kịp thời giải quyết. Thử nghĩ xem, dân có bức xúc mới gọi vào đường dây nóng nhưng nếu đường dây nóng cứ nguội lạnh thì bức xúc phải chăng càng bức xúc gấp đôi?

. Xin cám ơn ông.

Chúng ta cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước với việc hợp tác đầu tư của các tổ chức, DN trên địa bàn TP.HCM, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Bên cạnh đó, TP phải tăng cường CCHC để rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu của DN. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ tốt cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông HUỲNH VĂN HẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm