Cần bổ sung quy định quản lý nuôi chó số lượng lớn

(PLO)- Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tham mưu Sở NN&PTNT TP.HCM xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về quản lý chó, mèo với quy mô lớn trong khu vực dân cư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng một số hộ dân nuôi cả đàn chó vài chục con, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng xóm đang là vấn đề gây bức xúc của không ít người dân sống tại các khu dân cư ở TP.HCM từ nhiều năm nay.

Việc một hộ dân nuôi nhiều chó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh bởi ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Tuy nhiên, nếu hộ nuôi chó gây ô nhiễm thì cũng không thể yêu cầu giảm số lượng chó nuôi.

Hiện nay, pháp luật có quy định như thế nào về điều kiện nuôi chó là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra.

Đàn chó tại nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Ảnh: Người dân cung cấp

Đàn chó tại nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Ảnh: Người dân cung cấp

Ông LÊ VIỆT BẢO, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM:

Chưa có quy định hạn chế số lượng vật nuôi

Khoản 1 Điều 12 Luật Chăn nuôi quy định về chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi có nội dung: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2019 của Bộ NN&PTNT quy định hộ nuôi chó từ một con trở lên phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Khoản 2 Điều 4 của thông tư này cũng quy định biểu mẫu kê khai và thời gian thực hiện kê khai từ ngày 25 đến 30 của tháng cuối quý.

Như vậy, hộ gia đình trong khu vực đô thị có thể nuôi chó với mục đích làm cảnh, đồng thời phải thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã nơi có hoạt động chăn nuôi về số lượng, mục đích nuôi…

Pháp luật hiện nay chưa quy định hạn chế số lượng vật nuôi. Tuy nhiên, chủ vật nuôi cần phải đáp ứng điều kiện chăn nuôi phù hợp với quy mô chăn nuôi theo quy định.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần có quy định về nuôi vật nuôi ở khu đô thị, khu dân cư

Hiện nay, Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về quy mô chăn nuôi được chia thành hai loại là chăn nuôi trang trại (bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ) và chăn nuôi nông hộ.

Đối với từng loại quy mô chăn nuôi sẽ phải đáp ứng những điều kiện khác nhau được pháp luật quy định cụ thể.

Tuy nhiên, theo giải thích từ ngữ tại khoản 2 Điều 2 Luật Chăn nuôi thì hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người.

Ngoài ra, luật hiện nay không có quy định cụ thể nào về việc hạn chế số lượng vật nuôi, thú cưng mà tùy vào điều kiện mỗi người để đảm bảo việc nuôi phải đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phải tiêm phòng, phải có biện pháp như rọ mõm khi thả rông…

Qua vụ việc nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan nhà nước cần sớm có quy định cụ thể về điều kiện nuôi vật nuôi, thú cưng của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Từ đó, làm cho việc nuôi vật nuôi, thú cưng trở nên văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng.

TS CAO VŨ MINH, giảng viên khoa Luật ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Cần có quy định về diện tích tối thiểu để nuôi chó, mèo

Hiện nay, pháp luật cũng có quy định về vi phạm hành chính đối với những lỗi vi phạm của chủ nuôi chó, mèo.

Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng.

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020), chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng…

Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định về điều kiện nuôi chó, mèo phải đáp ứng về diện tích, môi trường... khi nuôi vật nuôi là chó, mèo trong khu dân cư.

Trước tình hình thực tế hiện nay, nên bổ sung những quy định về điều kiện nuôi chó, mèo vào luật để việc quản lý được chặt chẽ hơn.

Cụ thể, pháp luật có thể quy định về diện tích tối thiểu của nơi cư trú để nuôi chó, mèo (số mét vuông/một đơn vị con). Hiện nay có tình trạng nhà chỉ 50 m2 nhưng nuôi gần 100 con chó. Việc nuôi nhốt trong môi trường quá nhỏ có thể làm cho chó, mèo không có nơi sinh sống đàng hoàng dẫn đến chạy rông, đi hoang.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về cửa lưới, không khí... cũng cần được cân nhắc. Thực trạng cho thấy có nhiều trường hợp nhà không có cửa lưới nên khi mở cửa ra, chó chạy ùa ra đường gây tai nạn giao thông cho người đi đường.•

TP.HCM đang xin ý kiến về quản lý chó, mèo với quy mô lớn

Việc nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM phải đảm bảo theo quy định tại Điều 13 Quyết định 54/2021 ngày 28-12-2021 của UBND TP.HCM.

Cụ thể, nuôi chó, mèo phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu đối với động vật theo quy định.

Người nuôi chó, mèo phải nhốt giữ trong khuôn viên gia đình, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, giữ gìn vệ sinh môi trường, không gây ồn ào, không ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; không thả rông chó, mèo...

Hiện Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan quy định chưa cụ thể và còn nhiều bất cập trong quản lý chó, mèo. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tham mưu Sở NN&PTNT TP.HCM xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về quản lý chó, mèo với quy mô lớn trong khu vực dân cư.

Ông LÊ VIỆT BẢO, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM

Thăm dò ý kiến

Để hạn chế tình trạng một hộ gia đình nuôi chó, mèo quá nhiều gây ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh thì cần bổ sung quy định về điều kiện nuôi nhằm giúp chính quyền quản lý được chặt chẽ hơn. Theo bạn, nên áp dụng những giải pháp nào:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm