Vừa bước vào cổng tam quan, cảnh trí đầu tiên hiện ra là một ngôi chùa được xây dựng theo bố cục hình chữ Sơn, có mái cong trung hòa vào nét góc, cung tròn tạo thành những đường lượn mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển làm lộ rõ dáng kiến trúc xây dựng truyền thống. Tuy được phối hợp với những nét kiến trúc Á Ðông và kỹ thuật hiện đại nhưng chùa trông rất cổ kính và uy nghiêm với kèo cột chồng diêm, nào rui mè đỡ mái, kết cấu giống như kiểu nhà rường Việt Nam.
Trước đây, chùa chỉ là một cái am nhỏ có tên là Ðộc Giác. Đến năm 2001 mới được xây dựng thêm các công trình quy mô lớn như hiện tại và đổi tên thành Viên Giác. Nổi bật trong khuôn viên chùa là ngôi tháp Đẳng Quang được xây dựng năm 1996 và hoàn thành sau ba năm.
Tháp gồm ba tầng, tám mặt, bảy mái, cao 21 m và toàn bộ được lợp bằng ngói gạch lưu ly màu xanh vàng, vách được cẩn bằng gạch lưu ly với nét điêu khắc hình Phật và Bồ tát. Phía trước là đỉnh hương bằng đồng được chạm khắc bài minh bằng nét Lệ Thư với nội dung vô cùng cô đọng.
Thượng tầng là Từ Ý Các thờ Xá lợi Phật. Trung tầng là Pháp Bằng Các, tàng kim thân Phật Thích Ca, Ða Bảo cùng kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Hạ tầng là Phước Nghiêm Các, thờ chân tướng và linh cốt cố Thượng tọa Thích Minh Phát.
Bốn cửa xung quanh chạm tám vị thần Kim Cang trên nền gỗ. Những viên gạch ốp bên ngoài tháp đều bằng gốm, khắc họa hình thập bát la hán. Tháp được Trung tâm Sách kỷ lục công nhận là chùa có tháp gốm cao nhất Việt Nam.
Chánh điện chùa mang nét kiến trúc truyền thống với hệ thống kèo cột, rui mè đỡ mái giống như kiểu nhà rường Việt Nam.
Phía trong cùng của chánh điện là hình ảnh Đức Phật A Di Đà được tôn trí uy nghiêm trên đài sen, hai bên là hình ảnh các vị La Hán.
Những con nghê màu trắng, điêu khắc tinh xảo được trang trí quanh hành lang chùa.