Cần chế tài việc 'thâu tóm' đất của người dân tộc thiểu số

(PLO)- Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung chế tài để tránh tình trạng thâu tóm đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, bổ sung chính sách đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-4, tại TP Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) tổ chức hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tác động lớn đến đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết theo chương trình công tác, hôm nay (5-4), QH sẽ khai mạc Hội nghị đại biểu QH chuyên trách để góp ý một số dự án luật quan trọng, trong đó có bố trí gần một ngày để góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, tập trung của Ủy ban Thường vụ QH trong việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2023).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Cả nước còn khoảng 52.456 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở và nhà ở; 210.400 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; 462.061 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề.

(Trích bài phát biểu của Thứ trưởng Lê Sơn Hải)

Theo chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Luật Đất đai là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, Hội đồng Dân tộc của QH đã ban hành kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, phục vụ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra dự án luật.

Thường trực Hội đồng Dân tộc của QH đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, tham vấn lựa chọn vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS; lấy ý kiến của UBND các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức hai hội thảo chuyên đề tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên…

Qua đó, làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS để làm căn cứ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình tại kỳ họp thứ năm của QH.

Cần có chế tài để tránh thâu tóm đất của đồng bào dân tộc thiểu số

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần có một chương, mục riêng dành cho đối tượng là đồng bào DTTS để đảm bảo tính bao quát, đặc trưng, phù hợp với văn hóa vùng, miền, đảm bảo quyền tiếp cận đất đai và quyền sử dụng đất của đồng bào DTTS…

Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, cho rằng do trình độ dân trí của đồng bào DTTS không đồng đều, một bộ phận không nhỏ có trình độ thấp, hiểu biết pháp luật và xã hội còn rất hạn chế, nghèo đói, lạc hậu và trở thành những người yếu thế. Việc này dẫn tới đồng bào DTTS một số nơi bị lợi dụng, đất sản xuất bị thâu tóm, trở thành người không có đất sản xuất, thậm chí không có nơi ở, gây ra xung đột về quyền tiếp cận đất đai…

Vì vậy, ông Hải cho rằng cần xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một mục riêng quy định về đất đai đối với đồng bào DTTS nhằm bảo vệ quyền lợi và chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đồng bào DTTS đối với vấn đề đất đai.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường thì đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định về chế tài nhằm tránh tình trạng thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào DTTS; quy định việc quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh trường hợp sau khi đất được hỗ trợ, người dân đem bán lại và tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất, tạo gánh nặng cho chính quyền địa phương.

Đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phải đảm bảo đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội khi chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp thành công thì mới nên tiến hành thu hồi. Bởi trên thực tế có trường hợp sau khi thu hồi xong thì dự án gặp vấn đề và không được triển khai, gây lãng phí nguồn đất đai rất lớn, trong khi đó đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung vào Điều 89 dự thảo (nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất) chính sách đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào DTTS và những người không thể chuyển đổi nghề nghiệp sau khi bị thu hồi đất.

Hiện nay, chuyển đổi nghề nghiệp đang cào bằng các đối tượng nhưng trong đó có những người không thể chuyển đổi nghề nghiệp được. Họ có thể là người đồng bào DTTS, hộ nghèo hoặc lý do khác như thiếu trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn, tập quán sản xuất… Họ không thể chuyển đổi nghề nghiệp được nhưng lại không có chính sách gì cho họ.

PGS-TS PHAN TRUNG HIỀN, Trường ĐH Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm