Sáng 7-6, Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn nhóm vấn đề KH&CN đối với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Mong Chính phủ có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng một trong những yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 là cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của giới khoa học đối với chiến lược trên thì họ cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. “Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?” - ĐB Thúy chất vấn.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận định vấn đề ĐB Thúy đặt ra được rất nhiều cử tri, nhà khoa học quan tâm. “Quan điểm về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, vấn đề hành chính hóa các hoạt động nghiên cứu thì bộ trưởng sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung này” - Chủ tịch QH nói.
Bộ đang xây dựng đề án để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc.
Trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng đây là nội dung không những bộ, ngành KH&CN quan tâm mà xã hội cũng rất quan tâm, nhất là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Sau khi thông tin về việc Bộ KH&CN sửa đổi một số thông tư, Bộ trưởng Đạt cho hay tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của KH&CN rất được quan tâm. Các nhà khoa học trước đây nếu không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thì hai năm tiếp theo không được đăng ký. Đơn vị chủ trì cũng bị ảnh hưởng.
“Đó là vấn đề mà các nhà khoa học cũng như các đơn vị chủ trì rất quan ngại, thấy đó cũng là một cản trở. Bởi KH&CN là một hoạt động xã hội đặc biệt, nó tìm kiếm ra vấn đề mới, có thể thành công, không thành công hoặc thất bại, thành công sớm hoặc chậm cho nên có tính đặc thù là rủi ro và độ trễ” - Bộ trưởng Đạt giải thích.
Bộ trưởng Đạt nhắc lại việc vừa qua Thủ tướng khẳng định phải chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học. “Tôi rất tâm đắc với câu nói khoa học là con đường ngắn nhất để đi tới thịnh vượng” - Bộ trưởng Đạt nói và mong các cấp có thẩm quyền hãy tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học; giao trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng để họ có thể phát huy năng lực và cống hiến.
Mặt khác, ông cũng đề cập việc đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi các quy định nhằm giải quyết tình trạng “hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học”. Các giải pháp có thể là khoán chi nhằm phù hợp với đặc tính khó tính toán, định lượng chính xác của nghiên cứu khoa học vì hiệu quả kinh tế của các nghiên cứu phải ở tương lai.
Gỡ các rào cản trong phát triển KH&CN
Bộ KH&CN tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính…liên quan đến KH&CN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược.
Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Giải pháp nào thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN
Tại phiên chất vấn, các ĐB cũng đã đưa ra khuyến nghị những giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu KH&CN.
ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị phải thu hút nhân tài KH&CN để lĩnh vực này bứt phá. ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị phát huy kinh nghiệm, kết quả của các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong khi đó ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) chất vấn và đề nghị thay đổi mức chi đầu tư phát triển và tỉ lệ phần trăm tổng chi nhà nước cho KH&CN...
Bộ trưởng Đạt cho biết Bộ KH&CN đã có kế hoạch trình lên QH đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng Đạt cho biết “có chủ trương nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, Luật Công chức, viên chức, quy định về tài chính”. Mặt khác, bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất. Bộ sẽ lấy ý kiến của cơ quan quản lý, địa phương, các nhà khoa học và mong ĐBQH đóng góp cho đề án này.
Về mức chi cho KH&CN, ông Đạt nói đã có giải pháp để thời gian tới số nhiệm vụ, ngân sách chi cho các nhiệm vụ KH&CN đảm bảo được hiệu quả. Bộ KH&CN phê duyệt 19 chương trình KH&CN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm... cùng những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học.
Giải trình về chi ngân sách cho KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận muốn đột phá phát triển KH&CN thì phải coi trọng nhân tài, muốn có nhân tài thì phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Dẫn chứng, ông Phớc nói khi đất nước còn khó khăn, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã xuất hiện như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của… Còn hiện nay chúng ta phải thu hút được nguồn lực nhân tài để đảm bảo có các sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Góc nhìn nghị trường
Khi các nghiên cứu còn nằm nhiều trong ngăn kéo
Chỉ trong buổi sáng đã có 120 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn và đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Con số ấy thể hiện sự quan tâm rất lớn của các ĐB dân cử tới KH&CN và Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận xét rằng đó là số câu hỏi chất vấn “cao kỷ lục”.
Quan sát nghị trường có thể thấy trong các nhóm vấn đề về KH&CN, các ĐB đặc biệt quan tâm tới hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học được rót tiền từ ngân sách. Tiền thuế của người dân hằng năm được chi đều đặn vào các đề tài nghiên cứu khoa học cũng đến lúc phải báo cáo thu hoạch. Bởi ngay cả một ông nông dân canh tác trên mảnh vườn của mình cuối năm cũng phải kiểm kê lại lời lỗ bao nhiêu để còn dự liệu nên trồng cây, con gì cho mùa vụ tiếp theo.
Đơn cử, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đi thẳng vào vấn đề: “Trong năm năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu được đưa vào ứng dụng, trong đó có bao nhiêu mang lại kết quả thiết thực?”. ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cũng đăng đàn hỏi: “Tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học còn cất trong ngăn tủ, khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp. Bộ trưởng có thấy đây là việc lãng phí về chất xám và lãng phí về ngân sách nhà nước, trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”.
Sự phát triển của KH&CN và cách mạng 4.0 như vũ bão, quốc gia nào không nắm bắt được công nghệ, không có thành tựu sẽ bị bỏ lại phía sau nên sự trăn trở và đau đáu ấy của các ĐB âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, các câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời một cách thấu đáo.
Khi Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chưa đi thẳng vào vấn đề, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phải nhắc: “ĐB không hỏi bố trí bao nhiêu tiền. ĐB hỏi là bao nhiêu đề tài đã đưa vào sử dụng, bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được, tức là kết hợp giữa nghiên cứu, ứng dụng, bao nhiêu đề tài còn để trong ngăn kéo. Đề nghị Bộ trưởng tập trung nói thẳng vào chỗ đó”.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Đạt cho rằng hoạt động KH&CN là hoạt động có tính đặc thù, bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới, cho nên có thể thành công và có thể thất bại… Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng phải nói đó là một điều rất khó xác định… mà sự đo lường ấy nằm ở chỗ phục vụ cho việc nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu. Căn cứ rõ nhất là chín trường ĐH của chúng ta đã được xếp hạng trong bản đồ khoa học trên thế giới.
Ông cũng lý giải rằng lĩnh vực KH&CN rất đặc thù, có rủi ro và độ trễ, cho nên việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là một điều rất khó. Chính vì vậy, để có số liệu chính thức ông xin phép sẽ cho thống kê phục vụ các ĐBQH dù công tác thống kê này là khó.
Vậy để đo đếm hiệu quả của các nghiên cứu KH&CN có thực sự khó như Bộ trưởng Đạt trả lời. Có vẻ nó không khó đo đếm đến vậy, bởi mỗi năm vẫn có thống kê hàng trăm dự án nghiên cứu tư nhân thất bại và họ không có viện dẫn nào cho sự thành công khi chi để nâng cao năng lực nghiên cứu. Hiệu quả nhất thiết cần phải được định lượng và đo đếm được. Tất nhiên nó còn cần sự dũng cảm của người đứng đầu dám thừa nhận “thất bại” để tìm ra chân lý “mẹ của thành công” trong chính các đề tài nghiên cứu khoa học của mình hay của cả tập thể. Chưa kể, ngay bản thân của các nhà khoa học chân chính cũng không bao giờ “để trong ngăn kéo” mà không nhìn lại nó thành công hay thất bại.
LÊ PHI