ĐBQH: 'Nghiên cứu khoa học còn cất ngăn tủ'

(PLO)- Các đề tài nghiên cứu có rủi ro và có độ trễ, không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả và có thể chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng ngay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-6, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề khoa học – công nghệ đối với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Trong 5 năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?”.

ĐB Lê Thanh Vân chất vấn về hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN. Ảnh: QH

ĐB Lê Thanh Vân chất vấn về hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN. Ảnh: QH

Sau đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời vòng vo từ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn và tới kinh phí...

Điều hành chất vấn buộc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc : “Đại biểu không hỏi bố trí bao nhiêu tiền, hỏi là bao nhiêu đề tài đã đưa vào sử dụng, bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được, tức là kết hợp giữa nghiên cứu, ứng dụng, bao nhiêu đề tài để trong ngăn kéo…Đề nghị Bộ trưởng tập trung nói thẳng vào chỗ đó”.

Sau khi được nhắc nhở, Bộ trưởng Đạt nêu: mặc dù hoạt động khoa học công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới, cho nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói tính toán bao nhiêu đề tài được ứng dụng là rất khó. Ảnh: QH

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói tính toán bao nhiêu đề tài được ứng dụng là rất khó. Ảnh: QH

“Cho nên việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng phải nói đó là một điều rất khó xác định”, Bộ trưởng Đạt nói.

Theo ông, điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó, trước hết là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, của đội ngũ nghiên cứu và đóng góp vào uy tín khoa học của các viện nghiên cứu và các trường đại học.

ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) sau đó cũng đề cập vấn đề này. ĐB hỏi: “Tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học còn cất ngăn tủ, khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp. Bộ trưởng có thấy đây là việc lãng phí về chất xám và lãng phí về ngân sách nhà nước, trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt báo cáo QH trước khi vào phiên chất vấn. Ảnh: QH

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt báo cáo QH trước khi vào phiên chất vấn. Ảnh: QH

Bộ trưởng Đạt lặp lại ý đã trả lời ĐB Lê Thanh Vân và cho rằng lĩnh vực khoa học, công nghệ rất đặc thù, có rủi ro và độ trễ, cho nên việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là một điều rất khó.

Các đề tài nghiên cứu có thể để đấy nhưng nó sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Bởi vì có đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản theo định hướng ứng dụng, có đề tài nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu về triển khai và nghiên cứu R&D, có nhiều lĩnh vực để nghiên cứu.

“Để có số liệu chính thức thì xin phép các vị ĐBQH tôi sẽ có thống kê chính xác hơn để phục vụ cho các vị ĐB. Tuy nhiên, phải nói rằng công tác thống kê này là khó, xin báo cáo đại biểu Lê Thanh Vân như vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để có số liệu cung cấp cho đại biểu một cách thỏa đáng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm