Cần tăng tính tự chủ trong nghiên cứu khoa học

(PLO)- Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho rằng, cần quan tâm đến việc đầu tư cho con người nhiều hơn, cần có cơ chế đột phát về đặt hàng nghiên cứu khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ tuy đã có đổi mới song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách chưa hợp lý; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa cao.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN NAM

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: NGUYỄN NAM

Từ đó, ông Nghĩa đề nghị hội thảo tập trung thảo luận về giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường ĐH; đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; tăng cường mối liên kết giữa trường ĐH và doanh nghiệp để định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng, thực tiễn cao…

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau 27 năm xây dựng và phát triển, từ ba trường ĐH thành viên nòng cốt trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐH Quốc gia TP.HCM đã trở thành trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết lĩnh vực quan trọng như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, kinh tế luật…

Trong 10 năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM đã đào tạo gần 150.000 cử nhân cao đẳng, cử nhân ĐH, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, các tỉnh Nam bộ và cả nước. ĐH Quốc gia TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế.

Ông băn khoăn: “Liệu có phải tự chủ về tài chính và không nhận ngân sách chi thường xuyên? Kể cả khi trường ĐH đã tự chủ thì có thực sự được thực hiện hết các quyền tự chủ hay chưa, đã được thu mức học phí tính đúng, tính đủ chưa? Quy định về khối ngành, mã ngành đào tạo và việc mở mới các ngành đào tạo có còn phù hợp không? Cách tính chỉ tiêu dựa trên số lượng giáo viên, theo mét vuông đất, diện tích xây dựng có còn phù hợp?”.

Ông cũng chia sẻ suy nghĩ về tính tự chủ trong các nghiên cứu khoa học. “Quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay có còn phù hợp hay không; liệu có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các trường ĐH, các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học được không?” - ông đặt câu hỏi.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia. “Những ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ là những gợi ý quan trọng để ngành khoa học công nghệ nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới” - ông Đạt nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm