Cần cơ chế cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Sáng 17-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo xây dựng TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính trong và ngoài nước dự hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế và nêu các giải pháp để TP.HCM hiện thực hóa chủ trương đã có từ nhiều năm trước.

Không bỏ qua thế mạnh “thị trường ngách”

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Chủ trương xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực đã có từ 15 năm trước nhưng sao đến nay chưa thành hiện thực?

TS Trần Du Lịch nêu: Đến nay ý tưởng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vẫn còn đang dang dở. “Liệu TP.HCM có còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn?”.

Theo ông, phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia chứ không phải vấn đề riêng của địa phương. “Định hướng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế phải thể hiện trong chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ trung ương. Đây là một điều kiện quan trọng để TP xác lập vị trí, vai trò của một trung tâm tài chính của quốc gia và hướng tới khu vực” - ông đề xuất.

Ông cho rằng TP.HCM phải khẳng định được hai điều kiện là thể hiện vai trò của một đầu tàu phát triển của vùng và cả nước, trong đó ba nhân tố thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những điểm vượt trội. Hoạt động kinh tế trên địa bàn phải là nơi mang “tính thị trường” nhất, nơi “khởi nghiệp” của khu vực.

Điều kiện thứ hai là có thị trường tài chính tập trung quy mô lớn, tập trung những “con sếu đầu đàn” trên thị trường tài chính, nơi có hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” cho thị trường tài chính vận hành thông suốt…

TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho rằng để TP thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ trung ương đến địa phương.

Theo ông Tự Anh, TP nằm ở vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ và một trong những loại hình dịch vụ cần ưu tiên tập trung phát triển là dịch vụ tài chính và kinh doanh, để từng bước phát triển thành trung tâm tài chính phục vụ khu vực, quốc gia và dần bước ra thế giới.

Ông đề xuất TP.HCM cần có sự thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Đặc biệt, cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính. Cụ thể như hiện nay TP nằm gần trung tâm sản xuất lớn nhất về cà phê, lúa gạo… nên cần quan tâm đến việc hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của khu vực và của vùng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: T.LÂM

Nhân lực phải hấp dẫn các tập đoàn tài chính lớn

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cũng cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính thì Chính phủ cũng phải có trách nhiệm. “Nếu không TP.HCM cứ loay hoay hoài, trình lên trình xuống rất khó khăn” - ông nói.

Để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính, ông cho rằng cần tháo gỡ điểm vướng hiện nay về cơ chế, chính sách. Ông cho biết sau khi lãnh đạo TP.HCM gặp mặt kiều bào cách đây ba tháng, hơn 447 ý kiến của bà con kiều bào gửi văn bản xin góp sức và tham dự vào các dự án của TP.HCM. “Bà con kiều bào không thiếu tri thức nhưng chúng ta thiếu cơ chế… Kiều bào rất muốn đóng góp cho quê hương, muốn được đóng góp trí tuệ và sức lực vào xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” - ông nói.

Theo ông Hồng, TP.HCM hiện chưa có chính sách mở về thuế, hải quan và tài chính. TP cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tiếp cận được các tập đoàn tài chính lớn, hiểu được ngôn ngữ ngân hàng của các tập đoàn quốc tế và tạo cơ chế rộng rãi, chính sách thuế bài bản, bình đẳng để thu hút đầu tư.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính thì những yếu tố liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và tính đặc thù của TP so với các địa phương trên thế giới đóng vai trò quyết định. “Việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, thị trường tài chính TP đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. “Lực cản lớn nhất là TP chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân và hơn 7 triệu khách quốc tế. Trung tâm tài chính phải thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia. Có thể TP phải chấp nhận từ bỏ những lợi ích trước mắt để đạt được những lợi ích lớn hơn trong tương lai” - ông Phong nói.

Xây trung tâm tài chính vì cả nước

Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng khi đất nước phát triển thì phải có một trung tâm tài chính chung cho cả nước.

Về câu hỏi “Vì sao đến giờ chưa thành công trong việc xây trung tâm tài chính”, ông cho là do TP.HCM chưa quyết tâm đeo bám quyết liệt với các cơ quan trung ương và trung ương cũng chưa thực sự quan tâm đầy đủ. “Sắp tới TP sẽ đeo bám quyết liệt hơn để hình thành trung tâm tài chính” - Bí thư Nhân nói.

Ông cũng cho là xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì cả nước chứ không phải cho riêng địa phương vì nó phục vụ cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông thông tin là sắp tới nhu cầu các dịch vụ tài chính gắn với trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu là rất lớn. TP.HCM cũng là trung tâm đào tạo lớn, có nhiều trường kinh tế nên có khả năng hình thành chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính. Ngoài ra, TP.HCM đã triển khai đô thị sáng tạo làm tiền đề hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về tài chính.

Để phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, ông đề nghị UBND TP đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh đô thị thông minh, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước, hoàn thiện hạ tầng giao thông, quản trị giao thông thông minh. TP.HCM cần hiện đại hóa quy hoạch đô thị, quan tâm khởi nghiệp sáng tạo về các công nghệ tài chính…

Bí thư cho hay dự kiến tháng 10-2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm để báo cáo HĐND TP, Thành ủy, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tới đây, TP.HCM sẽ xin cơ chế đặc thù để xây dựng trung tâm tài chính theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Chủ trương về trung tâm tài chính tại TP.HCM

 Năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán được thành lập tại TP.HCM.

 Năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

 Năm 2005, Đảng bộ TP.HCM xác định thị trường tài chính là một trong chín nhóm ngành dịch vụ chủ lực của TP.HCM.

 Năm 2006, UBND TP.HCM giao Viện Kinh tế TP.HCM xây dựng đề án “Phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP.HCM đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”.

 Năm 2007, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó TP.HCM được định hướng trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng tầm cỡ cả nước và khu vực.

 Năm 2008, UBND TP đã thành lập ban chỉ đạo, ban biên tập soạn thảo “Chương trình phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”.

 Năm 2012, nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 tiếp tục xác định “từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.

Chính phủ cần thành lập ủy ban xúc tiến và phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM. Ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng tổng thể chiến lược phát triển trung tâm tài chính, điều phối giữa các bộ, ngành và TP.HCM, rà soát, xây dựng các chính sách, khuôn khổ pháp lý phục vụ cho việc phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM.

Chính phủ thiết lập cơ chế, tăng trách nhiệm và quyền hạn cho chính quyền TP trong quản lý lĩnh vực tài chính trên địa bàn.

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của TP.HCM.

GS-TS SỬ ĐÌNH THÀNHTrường ĐH Kinh tế TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm