Sáng 17-7, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là hội thảo quan trọng để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính đối với thực trạng thị trường tài chính của TP.HCM hiện nay. Qua đó, UBND TP.HCM có định hướng phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
Vai trò của thị trường tài chính ngày càng được khẳng định, được xem là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế và giảm dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng.
Tại TP.HCM, thị trường tài chính đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng, phát triển khi từ năm 2001. Lúc đó, TP.HCM đã xác định tài chính là một trong chín ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM. Trước nữa, năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.HCM.
Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỉ trọng 5,7% GRDP của TP. Ngành tài chính giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỉ đồng/năm; đồng thời đóng góp khá nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, để TP trở thành trung tâm tài chính thì những yếu tố liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và tính đặc thù của TP.HCM so với các địa phương trên thế giới đóng vai trò quyết định.
“Việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Góp ý tại hội thảo về định hướng phát triển, TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất TP.HCM cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính. Hiện nay, TP.HCM nằm gần trung tâm sản xuất lớn nhất về cà phê, lúa gạo… nên TP.HCM cần quan tâm đến việc hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của khu vực, của vùng.
“Đặc biệt, để TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương, vì các quy định về thể chế, chính sách được ban hành từ Trung ương”, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia, chứ không phải vấn đề riêng của TP.HCM”. TS Trần Du Lịch phân tích, nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ.