Trường học có thể không giáo dục đủ về giới tính cho con bạn, nhưng bạn thì có thể. Hãy nhớ rằng giáo dục giới tính tự thân nó đã bắt đầu khi đứa trẻ được sinh ra và thái độ của bố mẹ với việc con được sinh ra.
Các bậc bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên của chuyên gia về giới tính Ấn Độ Niyatii Shah để nói dạy con về giới tính một cách dễ dàng và hiệu quả.
Bắt đầu càng sớm càng tốt
Ngay khi mới sinh ra trẻ có thể không hiểu lời bạn nói, nhưng trẻ hiểu những đụng chạm của bạn. Vì thế cách bạn đối xử với bộ phận sinh dục trẻ trong những lúc chăm sóc trẻ, lúc tắm đã gián tiếp gửi thông điệp đến trẻ.
Bạn không muốn trẻ nghĩ bộ phận sinh dục là cái gì đó không được nói đến, không muốn con lớn lên cùng những thông tin giới tính lệch lạc từ bạn bè, từ internet phải không nào?
Muốn vậy ngay từ đầu bố mẹ phải tạo bầu không khí thoải mái cho trẻ được tìm hiểu, được đặt câu hỏi, cũng như thành thật trả lời các câu hỏi của con.
Sớm nói chuyện giới tính với con là bảo vệ con. (Ảnh: INTERNET)
Phần lớn bố mẹ đợi đến khi con tầm 11-13 tuổi – tuổi bắt đầu dậy thì mới bắt đầu nói về giới tính với con. Hãy nghe những chia sẻ của một bà mẹ có hai con trai 17 và 12 tuổi. Chị cho biết vợ chồng chị bắt đầu nói chuyện về giới tính với con trai lớn lần đầu tiên lúc con 13 tuổi.
“Tôi vẫn nhớ thằng bé khá căng thẳng dù tôi và chồng đã cố gắng có cách tiếp cận thật tự nhiên, như hỏi con có từng bàn luận về các cô gái với nhóm bạn trai hay không và bàn những gì.”
Rút kinh nghiệm đứa con đầu, đến đứa thứ hai thì chị không đợi đến khi con 13 tuổi mới bắt đầu nói chuyện giới tính. Chị thậm chí còn dẫn con tham gia một lớp nói chuyện về tuổi dậy thì của chuyên gia Niyatii Shah.
“Con trai nhỏ của tôi có quá nhiều câu hỏi sau khi đọc một tờ giấy nói về cưỡng hiếp và lạm dụng. Quả thật là khó khăn cho tôi khi phải giải thích hết những điều này cho con, may cho tôi là đã được chuyên gia chỉ dẫn trước.
Vì thế tôi khuyên bạn không nên tiếc thời gian tìm hiểu cách trả lời những câu hỏi về giới tính mà con bạn có thể hỏi trước khi chúng hỏi đến.”
Tại Hà Lan, nơi có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai thuộc hàng thấp nhất thế giới, giáo dục giới tính bắt đầu từ bậc mầm non.
Các thầy cô giáo sẽ nói về những điều đơn giản như những cái ôm, gợi ý cho trẻ chia sẻ về những điều không thích trong sinh hoạt hàng ngày như tắm với bạn bè, tắm với bố mẹ.
Đa số từ tuổi thứ 7 trẻ đã có thể gọi tên các bộ phận trong cơ thể, kể cả bộ phận sinh dục.
Chuyên gia Niyatii Shah khuyên các bậc bố mẹ nên có cách nói chuyện giới tính với con càng sớm càng tốt. Tốt nhất nên bắt đầu từ lứa tuổi mầm non, dĩ nhiên phải có cách tiếp cận phù hợp.
Nên đề cập đầy đủ và có chiến lược
Từ tuổi thứ 6 trở đi trẻ cần được dạy những điều cơ bản liên quan đến giới tính như ngôn ngữ cơ thể, các bộ phận riêng tư trong cơ thể, cách nhận dạng lạm dụng.
Trẻ cần được dạy cách nói không với những người không phải người thân muốn ôm ấp trẻ, thậm chí nói không với bất kỳ ai muốn ôm ấp trẻ mà trẻ không thấy thoải mái, kể cả người thân, tránh xa họ và báo lại với thầy cô và bố mẹ.
Dạy con trai làm quen với những gì thuộc về cơ thể phụ nữ là điều bố mẹ cần chú ý làm, đặc biệt là mẹ.
Mục đích là để con trai bạn không quá tò mò về cơ thể nữ giới. Các bà mẹ có thể sử dụng một số chiêu như cùng con xếp quần áo rồi bảo con chuyển cho bạn chiếc áo ngực của bạn để bạn xếp vào tủ, khi con lớn chút nữa có thể nhờ con ra cửa hàng mua băng vệ sinh giúp bạn.
Bố mẹ nên chú ý giảm sự tò mò về cơ thể nữ giới cho con trai để tránh điều đáng tiếc về sau. (Ảnh: INTERNET)
Khi con tới tuổi dậy thì nên nói với con về sinh sản, về kích thích cơ thể, về an toàn tình dục. Các bố mẹ có con trai cần dạy con tôn trọng người yêu và quyết định của người yêu về tình dục.
Bố mẹ cũng cần giải thích cho con rõ về các dạng LGBT (đồng tính, song tính và hoán tính), nói cho con hiểu là đó điều bình thường trong xã hội và không nên kỳ thị.
Một điều không kém phần quan trọng, bố mẹ cần nói với con một người chỉ thật sự biết chắc về tình trạng giới tính của mình khi 18 tuổi.
Vì những đứa trẻ cùng giới thỉnh thoảng cũng vì tò mò mà khám phá cơ thể của nhau rồi nghĩ rằng mình thuộc nhóm LBBT.
Đồng thời cũng để phòng khả năng đứa con vị thành niên của bạn bị lôi cuốn vào mối quan hệ yêu đương với bạn cùng giới rồi mặc định rằng mình thuộc nhóm LGBT.
Theo chuyên gia Niyatii Shah, nói chuyện về giới tính với con không phải là cái gì quá khó, có rất nhiều cách chuyển tải thông tin đến với con, miễn bố mẹ chịu tìm hiểu.
Điều thách thức nhất chính là thái độ của bố mẹ, làm sao để vượt qua sự e ngại mà vào cuộc làm người bạn đồng hành trong suốt chặng đường phát triển đầu đời của con, cung cấp cho con các thông tin về giới tính phù hợp từng lứa tuổi.