Cần giám sát chặt dòng tiền tại các ngân hàng

(PLO)- Viện trưởng VKSND Tối cao nhận định chưa nước nào có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như Việt Nam. Muốn kiểm soát được thì phải tính đến lộ trình giảm đầu mối ngân hàng thương mại cổ phần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-6, Quốc hội (QH) nghe trình bày và thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Những lo lắng về nhóm lợi ích thao túng các ngân hàng được đại biểu (ĐB) QH “mổ xẻ” và đề nghị có cơ chế giám sát.

Ngân hàng Nhà nước muốn có thêm thẩm quyền điều tra

Trình bày dự thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay dự luật bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Dự luật dự kiến sẽ áp dụng thêm đối tượng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD, thống đốc cho hay điều này dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của các ngân hàng Silicon Valley, Signature, First Republic (Mỹ) hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QH

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QH

Để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Đặc biệt, dự luật dự kiến cho NHNN thẩm quyền “điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: “Có ý kiến… đề nghị xem lại thẩm quyền của NHNN về điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng”. Lý do là chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, chưa phân định rõ phạm vi, đối tượng, quy trình điều tra của NHNN”.

Thảo luận tại tổ, ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cho rằng nên xem lại quy định NHNN có thẩm quyền điều tra đối với các vi phạm pháp luật ngân hàng. “Theo cá nhân tôi, không nên giao thẩm quyền điều tra cho NHNN vì trước đây chỉ có các cơ quan điều tra chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, có thực tiễn làm điều tra, tính chuyên môn rất cao. Trong khi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng rất phức tạp, giao cho NHNN điều tra khó khả thi… Chưa kể loại nào giao cho NHNN, loại nào giao cho các cơ quan khác cũng là vấn đề đặt ra” - ĐB Hải nói.

Chưa nước nào nhiều ngân hàng như Việt Nam

ĐB Lê Minh Trí (TP.HCM), Viện trưởng VKSND Tối cao, nhận định chưa nước nào có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) như Việt Nam. Muốn kiểm soát được thì phải tính đến lộ trình giảm đầu mối NHTMCP.

Đại biểu Lê Minh Trí (TP.HCM), Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh: QH

Đại biểu Lê Minh Trí (TP.HCM), Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh: QH

“Chúng ta nói ngăn ngừa sở hữu chéo và những chuyện phức tạp nhưng nhiều quá sẽ khó kiểm soát và sẽ có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Cần có lộ trình trong việc giảm số lượng các NHTMCP nếu thấy không có tác dụng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội” - ĐB Trí nói.

Theo ông Trí, thực tiễn cho thấy những ngân hàng được thanh tra, kiểm tra chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông chủ thì không bảo đảm tính đại chúng của ngân hàng. Thời gian qua, một số ngân hàng huy động tiền của người dân nhưng khi cho vay lại chỉ cho vay đối với những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình. Khi xảy ra vấn đề, vì sự ổn định xã hội, vì người dân, NHNN phải gánh, Nhà nước phải gánh… nhưng trách nhiệm khi hoạt động bình thường thì chỉ có một phía thôi.

“Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm kỷ cương cho vay đúng nghĩa của TCTD” - ĐB Trí nói.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì hiện còn một số tồn tại như mặt bằng lãi suất rất cao trong khi để tính lãi suất thường đo lường bằng lạm phát. Tuy kiểm soát lạm phát tốt nhưng lãi suất vẫn cao, tức là rủi ro trong hoạt động. “Hệ thống ngân hàng cần tiếp tục kéo giảm lãi suất” - ĐB Ngân khuyến nghị.

ĐB Ngân cho rằng biện pháp can thiệp sớm mà dự luật quy định thực ra là “khâu nhìn xa còn chậm, đến khi xảy ra rồi phản ứng thì đã muộn. Phải có biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật, hiện nay chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin lớn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm của đội ngũ thanh tra, kiểm tra đó”.

ĐB Ngân nói tiếp: “Không thể đến thanh tra, kiểm tra kết luận “tốt, tốt, tốt” sau đó “chết” thì không được. Giống như khám bệnh phải có triệu chứng chứ không thể “khỏe - khỏe - chết” thì hơi kỳ”.

Cần hạn chế các điều cấm

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì cho rằng trong các luật về kinh tế cần hạn chế quy định các điều cấm. Những gì đã quy định trong BLHS rồi thì những luật về kinh tế không nên đưa vào.

ĐB Nghĩa cũng nhận định phạm vi, thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng trong dự luật này quá rộng, quá dễ dãi. “Ví dụ thanh tra thì thẩm quyền từ tổng Thanh tra Chính phủ tới thành viên đoàn thanh tra, có biết bao nhiêu thành viên đoàn thanh tra đều có quyền yêu cầu. Rồi mở rộng xuống cả hải quan, thuế. Thậm chí còn có điều khoản “quét” là “cá nhân khác của các cơ quan nhà nước được pháp luật có liên quan quy định có thẩm quyền ký văn bản của cơ quan nhà nước yêu cầu TCTD” - ĐB Nghĩa nêu.

Ông viện dẫn hiến pháp quy định “bí mật ngân hàng thuộc về bí mật đời tư, được bảo vệ bởi BLDS” và đề nghị sửa Luật Các TCTD lần này phải ghi rõ: Chỉ có tòa án, VKS, cơ quan điều tra yêu cầu (cung cấp thông tin - PV) trong khuôn khổ một vụ án để tránh lạm dụng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.