Dịch vụ mobile money sau gần 6 tháng triển khai đã ghi nhận được một vài kết quả tích cực tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm, cả doanh nghiệp viễn thông và người tiêu dùng đều nhận thấy nhiều bất cập khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà với hình thức thanh toán mới này.
Dư địa phát triển mobile money là rất lớn
Chia sẻ tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán, NHNN cho biết: “Sau gần 6 tháng triển khai, tính đến cuối tháng 3-2022, đã có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile – Money.
Trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Qua đó cho thấy dịch vụ thí điểm mobile money đã phần nào đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng hoá dịch vụ, chuyển tiền, nạp rút tiền của người dân ở những địa bàn khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính này.
Kỳ vọng rằng trong thời gian tới đây mobile money sẽ có sự tăng tốc về lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đi kèm với tăng trưởng về doanh số giao dịch, mở rộng mạng lưới điểm kinh doanh, đơn vị chấp nhận thanh toán… góp phần vào phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt”.
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết: Tính đến hết quý 1-2022 có tới 70% thuê bao kích hoạt tài khoản tiền di động trên Viettel Money đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt, trung bình mỗi thuê bao phát sinh tới 10 giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến”.
Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, cho biết: Ở Việt Nam, việc triển khai dịch vụ Mobile Money chậm hơn so với thế giới khoảng 20 năm. Tính đến 30-3 vừa qua, thế giới có 1,3 tỉ tài khoản mobile money với tổng giá trị giao dịch là 10.000 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 31%/năm.
Hiện có 316 tổ chức cung cấp dịch vụ này trên khoảng 98 quốc gia trên toàn thế giới. Và thị phần của mobile money chủ yếu tập trung ở các nước có nền tài chính chưa phát triển. Điều đó cho thấy dư địa để phát triển dịch vụ tài chính số trên mobile money vẫn còn rất lớn ngay cả khi các ngân hàng và công ty fintech đang tập trung phát triển dịch vụ số rất mạnh mẽ”.
Thay vì cầm ví tiền, người dân chỉ cần cầm điện thoại có tài khoản mobile money là có thể thanh toán mọi mặt hàng ở chợ. |
Vẫn còn nhiều rào cản
Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, cho biết: "Việc mobile money ra đời trong bối cảnh trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm thanh toán đã xuất hiện, đặc biệt là các sản phẩm thanh toán ứng dụng dịch vụ số của gần 30 ngân hàng số và hơn 40 ví điện tử.
Mặc dù phải chịu áp lực từ sự cạnh tranh là rất lớn, nhưng điều kiện đăng ký mở mobile money lại quá khó khăn, nào là phải đăng ký bằng phương pháp xác thực e-KYC như ngân hàng, rồi lại còn phải khớp hoàn toàn với thông tin thuê bao.
Trong khi đó, thông tin từ thuê bao từ 20 năm nay, giấy tờ về chứng minh nhân dân đã khác rất nhiều so với căn cước công dân. Chỉ với việc sai lệch thông tin giữa CMND và CCCD đã khiến 50% khách hàng của ba nhà mạng không thể đăng ký thành công tài khoản mobile money. Ngay cả khi khách hàng muốn cập nhật thông tin CCCD mới thay cho CMND cũ thì cũng phải ra quầy, chứ không thể xác thực online. Điều này càng khiến khách hàng dễ dàng từ bỏ hình thức thanh toán mobile money.
Bên cạnh đó, hạn mức thanh toán của mobile money chỉ là tối đa 10 triệu đồng/tháng, thấp hơn hạn mức của ví điện tử rất là nhiều. Khi cung cấp một dịch vụ thanh toán mới mà có nhiều hạn chế từ lúc đăng ký cho đến khi sử dụng dịch vụ sẽ rất khó để hình thức này phát triển mạnh mẽ".
Để tháo gỡ hàng loạt khó khăn này, bà Phạm Minh Tú kiến nghị: Các cơ chức năng cần sớm cho phép các nhà mạng sớm được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giúp cho việc đăng ký tài khoản mobile money trở nên thuận tiện và chính xác hơn.
Ngoài ra, hiện nay ba nhà mạng cung cấp dịch vụ mobile money nhưng lại tách rời nhau hoàn toàn. Vậy nên chúng tôi cho rằng cần liên thông giữa các ví mobile money tạo thuận tiện cho người tiêu dùng”.
Ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp, tuy nhiên ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, khẳng định: "NHNN có mấy nguyên tắc sẽ không thỏa hiệp. Thứ nhất, phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vấn đề bảo mật. Thứ hai, những qui định của việc bảo vệ an toàn tài chính đó là cần xác thực e-KYC, phòng chống rửa tiền…. Do đó, nếu coi Mobile Money như một dịch vụ tài chính thì buộc phải tuân thủ các nguyên tắc trên".
Đề cập đến giải pháp triển khai mobile money thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, Bộ Công An cho biết: Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối để làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư. Cấp tài khoản mobile money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Ông Phan Đức Hiệp nhấn mạnh: “Các nhà cung cấp dịch vụ mobile money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch và thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động”.