Gần đây, truyền thông xôn xao về thông tin một số công ty lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp (BHĐC) để kiếm lợi bất chính, lừa gạt người dân. Điều này ảnh hưởng đến những công ty đa cấp nghiêm chỉnh, được Nhà nước công nhận. Vì vậy, báo Pháp Luật TP.HCM đã có dịp trao đổi với bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam, nhằm làm rõ vấn đề trong kinh doanh đa cấp.
. Thưa bà, xin bà cho biết có doanh nghiệp nào của hiệp hội thuộc đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính không?
+ Bà Trương Thị Nhi: Hiệp hội BHĐC Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập với vai trò là cơ quan xã hội nghề nghiệp mà đối tượng hội viên chính thức và liên kết phải là các doanh nghiệp BHĐC. Hoạt động của hiệp hội dựa trên điều lệ, quy chế hội viên và bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì xử lý theo quy định. Hiện nay, hiệp hội có 24 hội viên và chưa có hội viên nào thuộc đối tượng nêu trên. Trước đây, có một trường hợp là Công ty Liên Kết Việt nhưng đã bị xóa tên, khai trừ vào cuối tháng 12-2015.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam và ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tại một buổi phổ biến pháp luật dành cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.
. Nhiều người không phân biệt được sự bất chính, gian lận dẫn đến BHĐC là cụm từ nhiều người né tránh và tỏ ra ghét bỏ. Xin bà so sánh giữa BHĐC bất chính và BHĐC chân chính?
+ BHĐC chân chính là mô hình dựa trên hoạt động tiếp thị bán lẻ của cá nhân người tham gia và mạng lưới do cá nhân đó xây dựng. Người đó sẽ có thu nhập từ hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ hoạt động bán hàng. Đây là phương thức tiến bộ được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Bản chất của BHĐC là vậy nhưng trên thực tế xuất hiện nhiều biến tướng, lợi dụng để hoạt động bất chính lừa đảo, biểu hiện rõ rệt nhất là:
Thứ nhất, cá nhân tham gia vào công ty BHĐC bất chính, lừa đảo thì công ty không khuyến khích đi bán hàng mà chỉ khuyến khích mua hàng từ công ty. Đây là hoạt động mua hàng đa cấp chứ không phải BHĐC. Hậu quả là chỉ có công ty có lợi vì bán được hàng, thu được tiền còn người tham gia thì thiệt hại do mất tiền đầu tư vào hàng hóa.
Thứ hai, với BHĐC chân chính, người tham gia có quyền đổi, trả lại hàng hóa lấy lại tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua và nhận được hàng mà không cần lý do. Nhưng với những công ty bất chính, hầu như quyền lợi này luôn bị từ chối.
Thứ ba, kêu gọi đầu tư tài chính như trường hợp của Công ty Liên Kết Việt. Về mặt pháp lý, các công ty này không được phép vì không có chức năng huy động vốn và trả lãi như ngân hàng. Loại hình này hoàn toàn bị cấm trong kinh doanh đa cấp.
Một trong những hình thức thu lợi nhuận của những công ty đa cấp bất chính là huy động vốn trái phép. Ảnh: ST
. Gần đây, một số vụ BHĐC lừa đảo bị vỡ, kéo theo hàng ngàn người bị lừa, mất trắng tiền của. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của mô hình BHĐC ở Việt Nam?
+ Thời gian gần đây, chỉ có một công ty BHĐC bị khởi tố là Công ty Liên Kết Việt, ngoài ra không có công ty nào khác. Các công ty như MB24, Tâm Mặt trời, Cộng đồng Việt… đều không phải là công ty BHĐC bởi họ không có giấy phép hoạt động BHĐC.
Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến BHĐC thì ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tới hiệp hội và hội viên. Tuy nhiên, đa số công ty BHĐC chân chính vẫn phát triển tốt nhờ hàng hóa chất lượng, người tham gia có thu nhập thực sự từ kết quả bán hàng.
. Hiệp hội có ý kiến đề xuất gì trong việc quản lý BHĐC để đảm bảo mô hình này được phát triển đúng hướng?
+ Thứ nhất, chúng tôi rất mong phối hợp các cơ quan báo chí thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền. Qua đó, người dân có thể nắm rõ, phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chân chính. Đồng thời, tuyên truyền các hình thức bất chính để người dân biết, tránh né kịp thời. Thứ hai, cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra xử phạt thường xuyên. Thứ ba, giáo dục, đào tạo kiến thức về hàng hóa và đạo đức kinh doanh cho người tham gia BHĐC.
. Xin cám ơn bà.