Cần ‘khơi luồng, mở cửa’ cho báo chí phát triển

Chiều 21-3, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, cần phải có chính sách “khơi luồng, mở cửa” để cơ quan báo chí có thể tự chủ, có sức cạnh tranh với thông tin mạng…

Áp lực từ mạng xã hội

Trước tình trạng nhiều tờ báo phải thu hẹp thị phần, cắt giảm nhân lực, loay hoay tìm lối ra trước sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội, đại biểu (ĐB) Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nhấn mạnh nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn đặc biệt về vấn đề “thông tin và tài chính”. Do vậy việc sửa Luật Báo chí lần này phải đặt trong bối cảnh “báo chí đang bị mạng xã hội cạnh tranh” và Nhà nước cần có chính sách “khơi luồng, mở cửa” để báo chí có thể phát triển. Bà Trang đề nghị Nhà nước có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí phát triển “không phải bằng bao cấp mà bằng cơ chế mở”, giúp báo chí tự chủ, năng động hơn trong bối cảnh mới. “Chẳng hạn bằng các hình thức tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí như cho phép báo chí đăng thông tin trên môi trường YouTube hoặc được phép phối hợp với cơ quan báo chí nước ngoài trong quảng cáo phát hành…” - ĐB Trang đề xuất.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng chỉ rõ rất nhiều tờ báo, ấn phẩm hiện nay “sống nhờ” vào bầu sữa bao cấp. để giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo sức bật cho cơ quan báo chí, cần phân biệt cơ quan báo chí làm ba loại gồm: Một là cơ quan báo chí thuộc cơ quan Đảng, QH, Chính phủ được đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; hai là cơ quan báo chí sự nghiệp có thu tự cân đối thu chi và ba là cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

“Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành nghị định về lộ trình sắp xếp các cơ quan báo chí để phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình phát triển” - ĐB Thúy nói.

Cần ‘khơi luồng, mở cửa’ cho báo chí phát triển ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang đang nêu các ý kiến về Luật Báo chí sửa đổi trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án luật này vào chiều 21-3. Ảnh: QH

“Cơ quan báo chí không phải là DN”

Trước đó trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về vấn đề loại hình hoạt động của cơ quan báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho hay đã có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, Ủy ban TVQH nhận thấy theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh (khoản 7 Điều 4), trong khi đó, cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp và hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh. Hơn nữa, cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp có nhiều điểm khác cơ bản so với cơ chế thành lập, quản lý cơ quan báo chí. Như vậy, việc quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là không phù hợp” - ông Thi nói.

Cũng theo ông Thi, cơ quan báo chí của các cơ sở giáo dục, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, nếu chỉ được hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu là chưa phù hợp vì các cơ quan này bị lệ thuộc vào mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan chủ quản. Do vậy, Ủy ban TVQH bổ sung quy định “Tạp chí khoa học được hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản” (khoản 1 Điều 21 dự thảo luật).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm