Ngày 14-11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Đây là dự luật quan trọng, tác động trực tiếp tới việc đảm bảo thực hiện quyền tự do báo chí của công dân mà Hiến pháp 2013 đã hiến định. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Báo chí sửa đổi) xoay một số vấn đề của dự thảo luật này.
Tự do báo chí là quyền của công dân
.Thưa ông, trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có góp ý gì cho ban soạn thảo?
+ Ông Đào Trọng Thi: Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này xây dựng trên nền Luật Báo chí hiện hành, được ban hành từ năm 1999. Lúc ấy nhận thức về quyền con người, quyền - nghĩa vụ cơ bản của công dân chưa được rộng mở như bây giờ, với những hiến định liên quan trong Hiến pháp 2013. Vậy nên dự thảo luật này còn nhằm quản lý hoạt động báo chí là chủ yếu và chưa làm rõ được quyền tự do báo chí của công dân liên quan thế nào, quan hệ thế nào với quyền tự do ngôn luận, quyền - nghĩa vụ của nhà báo, tờ báo...
Chúng tôi đã góp ý vấn đề chung ấy và phía cơ quan soạn thảo nói sẽ tiếp thu, chỉnh sửa.
. Những nội dung nào được ban soạn thảo khẳng định tiếp thu?
+ Chẳng hạn như điều khoản giải thích về quyền tự do báo chí. Ban soạn thảo đồng ý là sẽ trình bày lại để làm sao rõ quyền tự do báo chí trước hết là của công dân - như Hiến pháp đã quy định. Không nên hiểu quyền tự do báo chí là của nhà báo, của cơ quan báo chí. Phóng viên, tờ báo thực hiện các quyền năng của mình chính là để góp phần thực hiện quyền tự do báo chí của công dân. Quyền đó là của mọi công dân chứ không phải chỉ của nhà báo.
. Nhưng nếu chỉ chỉnh sửa khái niệm mà không đổi mới cách tiếp cận về quyền tự do báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013, thì làm sao thay đổi cơ bản được?
+ Cũng phải từng bước. Bắt đầu bằng khái niệm, hiểu đúng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhận thức đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trong đảm bảo thực thi các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Rồi từ đó mới tìm cách cấu trúc lại dự luật, theo hướng làm luật để đảm bảo thực thi quyền trên thực tế.
Hiến pháp 2013 có điểm rất mới là quy định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật do Quốc hội ban hành “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, Chính phủ muốn hạn chế những nội dung nào, phần nào của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì phải nêu rõ trong dự luật. Và mỗi hạn chế đó, cơ quan soạn thảo phải giải trình được căn cứ, sự cần thiết chứ không thể chung chung được.
Theo tinh thần cải cách trong lập pháp nói chung, Quốc hội muốn luật phải cụ thể, chi tiết hơn, hạn chế tối đa việc giao lại cho những văn bản dưới luật quy định.
Cấm phải được giải thích rõ ràng hơn
. Cơ quan soạn thảo có giải thích lý do về việc chưa quy định được hết trong dự thảo không?
+ Có. Nhiều khi những vấn đề gai góc nhất, khó nhất, Quốc hội không bàn ra được thì để Chính phủ quy định, hướng dẫn. Tới khi nào thực tế chứng minh phù hợp thì nâng lên thành luật.
Nhưng chúng tôi cũng nói là có những nội dung hoàn toàn có thể luật hóa ngay được. Chẳng hạn, công dân có quyền tự do báo chí thì có nghĩa ai cũng có thể ra báo được chứ. Nhưng trong điều kiện cụ thể hiện nay thì chưa thể như vậy được. Thế thì luật phải chỉ rõ ra cơ quan nào, tổ chức nào có quyền ra báo. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được và đã đưa vào dự thảo rồi. Thực tiễn có rồi, lâu nay Chính phủ đã có quy định rồi.
Đây không chỉ là yêu cầu đối với lập pháp. Kể cả quy hoạch báo chí mà ta đang triển khai cũng phải giải thích rõ được các căn cứ, cơ sở lý luận, thực tiễn và kể cả pháp lý cho quy hoạch ấy. Quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn, đúng hơn quyền hạn của mình chứ không phải để thu hẹp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, kìm hãm không gian báo chí.
. Báo cáo thẩm tra có nhận xét rất đáng chú ý là dự thảo còn nhiều quy định cấm chưa rõ ràng , không toát được tinh thần tự do báo chí…
+ Đúng. Nhưng quan trọng hơn là có một số điều cấm rất mơ hồ, chưa giải thích rõ được theo bốn căn cứ mà Hiến pháp đã quy định.
Chưa kể, trong dự thảo có những quy định - không nói là cấm - nhưng bằng thủ tục có thể gây cản trở cho tự do báo chí. Chẳng hạn, thủ tục lập văn phòng đại diện và tổ chức phóng viên thường trú ở địa phương, yêu cầu phải được UBND cấp tỉnh “chấp thuận”. Cơ quan thẩm tra không đồng ý với cái “chấp thuận” ấy. Đó chỉ nên là thủ tục đăng ký để địa phương biết, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn - biết để mà mời dự họp báo chẳng hạn. Chứ quy định như dự thảo, báo nào đăng bài phản ánh tiêu cực địa phương, tôi không thích thì tôi có quyền không “chấp thuận” báo mở văn phòng đại diện, không “chấp thuận” phóng viên thường trú à? Thủ tục ấy có nguy cơ hạn chế quyền tự do báo chí.
Đây mới là dự thảo đầu tiên, lần đầu đưa ra Quốc hội cho ý kiến và lại là vấn đề phức tạp, khó nữa. Chắc sẽ còn phải bàn bạc, thảo luận rất nhiều thì mới đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, của thời đại mới được.
. Xin cảm ơn ông.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) nhìn nhận dự án sửa đổi Luật Báo chí (trình bày trước QH ngày 4-11) chưa chỉ rõ được chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Chưa phân biệt tự do báo chí khác gì tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí. Cũng theo cơ quan thẩm tra này, việc liệt kê các “nội dung” bị cấm lẫn lộn, chưa rõ với “hành vi” bị cấm và quá nhiều điều cấm khiến dự luật có vẻ nặng nề, chưa đáp ứng yêu cầu của một luật về bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số điều cấm như cấm tuyên truyền chống nhà nước, gây phương hại an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin cổ súy hủ tục, mê tín dị đoan, thông tin chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận gây hoang mang xã hội... là chưa cụ thể, dễ dẫn tới vận dụng tùy tiện, hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, lược bớt những gì đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, tránh gây ấn tượng nặng nề cho Luật Báo chí. Đáng chú ý, ủy ban trên cho rằng thủ tục, nội dung phải xin cấp phép quá nhiều, làm giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Ban soạn thảo cần rà soát các quy định về giấy phép, thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ quan báo chí; tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí để có thể hoạt động sáng tạo. Thay vì ấn định giấy phép chỉ có giá trị trong 10 năm, luật chỉ nên quy định về những trường hợp cụ thể phải tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động báo chí. Theo dự luật, văn phòng đại diện, PV thường trú chỉ được hoạt động khi có chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương. Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí, bởi một số trường hợp chính quyền sẽ gây khó dễ cho những PV trước đó có bài phản ánh vụ việc tiêu cực trên địa bàn. Vì vậy thay vì xin phép, chỉ nên quy định cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản tới UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử PV thường trú là đủ... |