Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, nhiều tờ báo của TP có uy tín, tầm ảnh hưởng, hiệu quả về tài chính, thế nhưng lại là đối tượng nằm trong quy hoạch, có thể bị sáp nhập, xóa sổ.
Đây không phải là vấn đề của riêng TP.HCM. Trên cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó hơn 200 cơ quan tự chủ được tài chính nhưng hầu như đều thuộc diện giải thể hoặc sáp nhập nếu thực hiện như định hướng trong quy hoạch. “Số được tồn tại theo quy hoạch lại hưởng rất nhiều tiền ngân sách. Tại sao trong quy hoạch không tính đến ưu tiên những tờ tự chủ được tài chính và cắt giảm những tờ chỉ hưởng thụ ngân sách?” - bà Thúy trăn trở.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng luật ban hành phải thể hiện được quyền tự do báo chí theo nghĩa quyền con người đã được thừa nhận, khẳng định bằng các công ước quốc tế cũng như Hiến pháp của Việt Nam. Quy hoạch báo chí cũng cần theo tinh thần ấy.
Chia sẻ thêm với các ĐB, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Báo chí - cho biết trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến trong ủy ban cho rằng thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo chí còn quá phức tạp, đòi hỏi tới bảy loại giấy phép. “Có cảm giác Hiến pháp thì mở nhưng luật thì đóng chặt lại” - ĐB Tiến nhận xét.
Cùng ngày, các tổ ĐBQH còn góp ý cho dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Luật này có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với Luật Báo chí và đều nhằm cụ thể hóa các quyền cơ bản của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, vì là lần đầu trình xin ý kiến QH, lại đưa vào thảo luận trong chiều thứ Bảy cuối tuần nên cuộc góp ý không được sôi nổi lắm.