Nếu đề án quy hoạch báo chí được triển khai, những tờ báo như VnEconomy hay Dân Trí phải tìm cơ quan chủ quản khác mới được tiếp tục tồn tại. Vì sao như thế?
Theo thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, có thể hình dung việc sắp xếp lại làng báo Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới với những nét chính dần dần lộ diện.
Gom cơ quan chủ quản báo
Điều đáng chú ý đầu tiên của đề án quy hoạch báo chí là áp dụng mô hình một cơ quan báo chí chỉ có một ấn phẩm chính, còn lại là ấn phẩm phụ. Ví dụ Bộ Giao thông Vận tải có lúc có đến 2 tờ báo và 9 tạp chí nay bộ này chủ trương chỉ còn lại 1 tờ báo và 1 tạp chí khoa học. Hay Bộ Y tế hiện nay có 2 tờ báo và 15 tạp chí - nếu theo tinh thần của đề án thì cũng phải sắp xếp lại, chỉ còn 1 cơ quan báo chí, có thể có nhiều ấn phẩm nhưng ở chung dưới một nhà, một cơ quan.
Ở đây đề án đã nhìn báo chí theo con mắt hành chính, cơ học một cách máy móc. Người đọc họ đâu cần biết tờ nào là chính, tờ nào là phụ; thậm chí với báo điện tử, đơn vị đọc của họ là bài báo chứ không còn là tờ báo nữa.
Đây sẽ là một điểm gây tranh cãi và sẽ là lực cản lớn cho đề án này. Ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện có 2 tờ báo và 5 tạp chí, sẽ phải chọn tờ nào làm tờ chính, biến tờ nào thành tờ phụ và - quan trọng hơn - vì sao phải làm như thế? Ngoài tờ Đầu Tư, báo Đấu thầu của bộ này ra đời là do Luật Đấu thầu yêu cầu phải có.
Và khi đề án minh họa với trường hợp TP.HCM thì sẽ không ai hình dung nổi vì sao những tờ báo có tên tuổi trong làng báo và bạn đọc hàng chục năm qua nay thành ấn phẩm phụ.
Đằng sau mỗi thương hiệu là niềm tin của độc giả gửi gắm cho tờ báo và chính niềm tin này trở thành sức mạnh cho tờ báo. Ảnh: MINH KHUÊ
Tài sản lớn nhất của một tờ báo chính là tên tuổi của tờ báo đó, phải dày công xây dựng trong nhiều năm - đó chính là thương hiệu của tờ báo. Đằng sau mỗi thương hiệu là niềm tin của độc giả gửi gắm cho tờ báo và chính niềm tin này trở thành sức mạnh cho tờ báo. Xưa nay báo chí được sắp xếp, quản lý theo thương hiệu, chứ không phải theo cơ quan chủ quản.
Điểm thứ hai đáng chú ý là đề án đưa ra định hướng các sở, ngành ở các tỉnh thành sẽ không xuất bản báo in nữa. Điều đó có nghĩa các tờ báo như Tuổi Trẻ hiện trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM hay báo Pháp Luật TP.HCMtrực thuộc Sở Tư Pháp TP.HCM sẽ phải đi tìm cơ quan chủ quản mới hay trở thành ấn phẩm phụ của một tờ báo chính nào khác.
Đề án nói rõ mỗi tổ chức chính trị - xã hội thì được quyền có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in nhưng mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì chỉ được có một cơ quan tạp chí in mà thôi. Điều đó có nghĩa tờ VnEconomy của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và tờ Dân Trí của Hội Khuyến học Việt Nam phải đi tìm “chủ quản” mới bằng không phải tự giải thể!
Ở đây phải nói lại một cách cơ bản về vai trò của báo chí. Một trong những vai trò được kỳ vọng của báo chí là làm con mắt, lỗ tai của công luận nhằm giám sát các cơ quan nhà nước xem có thực hiện đúng chức năng của họ hay không. Thử tưởng tượng báo chí hoàn thành vai trò này như thế nào nếu tất cả báo chí đều là của các bộ, ban, ngành... Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu báo của các bộ bắt tay nhau, ký kết các hợp đồng phối hợp tác chiến, báo bộ này khen bộ kia, báo bộ kia khen bộ nọ để tất cả được đánh bóng lên, mọi thiếu sót, khuất tất được lấp liếm?
Chính vì thế đã có nhiều ý kiến từ nhiều năm nay cho rằng tốt nhất là báo chí nên đưa về các hội đoàn trong một lộ trình “xã hội hóa” báo chí. Nay đề án đi ngược lại xu hướng đó thì không hy vọng gì chúng ta sẽ xây dựng được một làng báo mạnh.
Cắt bầu sữa ngân sách
Một nội dung khác thoạt trông sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều người - đó là việc Nhà nước sẽ mạnh dạn cắt bỏ bầu sữa trợ cấp cho các báo. Đề án đưa ra cột mốc đến năm 2020 tất cả các cơ quan báo chí phải tự chủ về mặt tài chính. Đây là điều trước sau gì cũng phải làm vì không lẽ ngân sách nhà nước lại đi cấp tiền cho các bộ, ngành để báo của bộ, ngành đó nói tốt cho mình, bảo vệ cho lợi ích của chính bộ, ngành đó.
Thật ra hiện nay ước chừng hơn một phần ba các cơ quan báo chí đã tự chủ về tài chính nhưng cũng có nhiều cơ quan báo chí, mặc dù có doanh thu lớn vẫn tiếp tục nhận tiền từ ngân sách. Việc cấp ngân sách cho các báo vì thế không rõ ràng, minh bạch.
Thiết nghĩ cách hay nhất vẫn là buộc các tờ báo cần trợ cấp từ ngân sách có đề án nêu rõ những chương trình, dự án đóng vai trò gì trong việc đưa thông tin đến người dân để được phê duyệt ngân sách hàng năm.
Như thế thì các tờ tạp chí nghiên cứu vẫn có thể có kinh phí để hoạt động hay các tờ báo tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng chẳng hạn vẫn có tiền để làm.
Cách tiếp cận trong quản lý báo chí không phải là số lượng cơ quan báo chí, không phải tờ chính, tờ phụ mà là ngân sách nhà nước. Hoàn toàn đồng ý các bộ ngành không được lấy ngân sách nhà nước rồi cho ra đời các tờ báo lá cải, chuyên đăng chuyện xì căng đan. Ngân sách nhà nước chỉ có thể cấp cho những tờ báo với những nhiệm vụ rõ ràng, soạn thành đề án được phê duyệt; ví dụ, tạp chí AIDS và Cộng đồng được ngân sách cấp tiền để tuyên truyền cách phòng chống bệnh AIDS trong khi đó tạp chí Golf và Cuộc sống (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì không thể trông mong nhận tiền của ngân sách.
Như hiện nay dường như đề án đặt kỳ vọng vào chuyện một cơ quan báo chí chỉ có một tờ báo chính còn lại là ấn phẩm phụ với mục đích lấy tiền của các ấn phẩm có doanh thu cao (chưa hẳn là tờ chính) để nuôi các tờ báo khác để nói chuyện “tự chủ về mặt tài chính”.
Diện mạo nào?
Thật ra làng báo Việt Nam hiện nay đã phát triển vượt khỏi suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực báo chí mà ít ai đề cập.
Mặc dù khẳng định không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí nhưng đề án đã mở ra một hướng đi hợp thức hóa tình trạng tư nhân tham gia làm báo hiện nay. Đó là việc cho phép báo in, ngoài việc tiếp tục liên kết với bên ngoài trong in ấn, phát hành, quảng cáo còn mở ra liên kết về nội dung đối với một số ấn phẩm về khoa học chuyên ngành và giải trí, thời trang, thể thao... Như thế đây là con đường hợp thức hóa sự tồn tại các tờ như Cosmopolitan, Elle, Her World tại Việt Nam.
Thậm chí đối với phát thanh truyền hình và báo điện tử, việc liên kết còn được mở rộng ra lĩnh vực phổ biến kiến thức và kinh tế bên cạnh chuyện giải trí, thể thao.
Như vậy có thể hình dung làng báo Việt Nam trong những năm tới sẽ chịu nhiều biến động, các tờ báo mang tính giải trí thuần túy sẽ nở rộ trong đó dần dần tư nhân sẽ nắm phần chi phối. Đừng tưởng các tờ này sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến xã hội! Chúng sẽ định hình như đang định hình các chuẩn mực văn hóa theo hướng chủ nghĩa tiêu thụ, chạy theo hư danh phù phiếm. Lúc đó mọi người chỉ còn quan tâm đến các xì căng đan được liên tục tạo ra vừa để câu khách vừa để làm bệ phóng cho giới giải trí.
Tiếng nói của các hội nghề nghiệp hầu như không còn nữa, làng báo sẽ mang tính đồng nhất hơn vì số lượng chủ quản sẽ giảm mạnh còn lại một số đầu mối chủ chốt.
Trong lúc đó các trang thông tin tổng hợp, mặc dù không phải là báo nhưng sẽ ngày càng phổ biến, chiếm lĩnh không gian báo điện tử. Chúng sẽ tìm cách liên kết với báo chính thống để hợp thức hóa vị thế và là khe hở lớn mà các cơ quan quản lý sẽ phải tiếp tục bận tâm như hiện nay. Đó là bởi đề án bỏ qua mảng rất lớn này xem như không tồn tại.
Tuần trước một số tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times đã phải ký kết với Facebook một thỏa thuận để Facebook xuất bản trực tiếp một số bài báo của họ. Có thể đây là bước khởi đầu cho một tiến trình thay đổi phương thức xuất bản và phát hành báo chí mà chưa ai biết nó sẽ đi về đâu, hình thù như thế nào.
Điều có thể nói ngay là tư duy quản lý báo chí với những khái niệm như cơ quan chủ quản, báo chính, báo phụ... là rất xa lạ với thực tế biến chuyển của báo chí hiện nay. Điều quan trọng hiện nay là củng cố làng báo đang chịu nhiều khó khăn, cả về tài chính, nhân lực cũng như chịu nhiều ràng buộc không thể cạnh tranh sòng phẳng với các nguồn thông tin khác. Đó mới là chuyện thiết yếu hơn nhiều.
Theo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 28-5-2015)