Phần lớn thời gian của buổi thảo luận đều xoay quanh việc đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo dưỡng ô tô vào ngành nghề có điều kiện.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) lại cho rằng: “Việc nhập khẩu ô tô cần bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN). Nếu ta cứ nằng nặc đưa nhập khẩu ô tô vào điều kiện kinh doanh là không phù hợp”. Theo ông, chỉ nên đưa ngành sản xuất, lắp ráp ô tô vào điều kiện kinh doanh, còn nhập khẩu ô tô là hoạt động thương mại thuần túy không cần điều kiện kinh doanh.
Ngay lập tức, ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đứng dậy xin tranh luận: “Nếu Nhà nước để tự do nhập khẩu ô tô sẽ giết chết ngành sản xuất ô tô còn manh nha trong nước”.
Nhiều đại biểu cho rằng việc đưa ngành nghề sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng ô tô vào ngành nghề có điều kiện là phù hợp. Ảnh: TP
Đồng tình với ĐB Chiến, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nêu quan điểm chỉ nên đưa sản xuất, lắp ráp ô tô vào kinh doanh có điều kiện.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cảm nhận cơ quan soạn thảo luật chưa đủ thời gian lắng nghe cộng đồng DN, hội nghề nghiệp để tham vấn ý kiến. Do vậy ĐB này đề nghị QH nên cân nhắc việc thông qua tại kỳ họp này để ban soạn thảo có thời gian lắng nghe nhiều hơn, có thể thông qua dự luật ở các kỳ họp sau. Ý kiến của ĐB Hiểu cũng nhận được sự đồng tình cao của các ĐB khác.
Không hạn chế quyền tự do kinh doanh Việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Nó cũng bảo đảm để ngành này có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN và các khu vực khác. Nếu chúng ta không kiên định chính sách nâng dần tỉ lệ nội địa hóa, chỉ thuần túy dựa vào nhập khẩu thì nguy cơ chảy máu ngoại tệ, nhập siêu và mất cân đối thương mại là hiện hữu. Việc bổ sung ngành này hoàn toàn không nhằm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và DN mà chỉ nhằm luật hóa, hoàn thiện các quy định, điều kiện đã được áp dụng đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Đề xuất trên được đa số DN kinh doanh ô tô (có tổng thị phần trên 95% thị trường ô tô của Việt Nam) ủng hộ. Ngoài ra, việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh đối với hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông và môi trường. Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG |