Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về bức tranh xây dựng, quy hoạch hiện nay đối với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị (VMĐT), Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng: “Bên cạnh việc xử phạt đủ mạnh, nên có sự tham gia của những kiến trúc sư đường phố để quản lý kiến trúc, mỹ quan cho từng con đường, từng khu vực đô thị. Họ sẽ đi kiểm tra hằng ngày các tuyến, khi phát hiện những gì chướng mắt, làm mất mỹ quan đô thị có thể xử lý ngay. Đồng thời, họ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền người dân về ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị”.
Bài toán khó giữa cũ và mới
. Là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng, ông đánh giá như thế nào về bức tranh quy hoạch, xây dựng hiện nay của TP đối với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị?
+ Bất cứ ai có óc thẩm mỹ một chút đều không thể hài lòng với hiện trạng bức tranh quy hoạch, xây dựng đô thị hiện nay. Ba vấn nạn lớn: tắc nghẽn giao thông; ngập nước; ô nhiễm môi trường sống, trong đó có cảnh quan đô thị luộm thuộm đang ở vào thời điểm trầm trọng nhất. Trong hoàn cảnh đó, khó xây dựng nếp sống VMĐT nhưng cũng là lúc cần có nếp sống văn minh nhất.
. Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao một TP được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông trước đây lại trở nên ngổn ngang, bề bộn đến thế?
+ Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông vào thời thịnh trị của nó trước Chiến tranh thế giới thứ hai (trước năm 1939 - PV). Khi đó Sài Gòn mới chỉ có quận 1 và một phần quận 3 bây giờ. Đó cũng là thời điểm thực hiện xong bản quy hoạch đô thị năm 1863 (của Pháp) cho khoảng 500.000 dân. Do đó, muốn tìm nguyên nhân vì sao TP lâm vào tình trạng hiện nay thì phải xem xét cả một thời kỳ lịch sử đô thị hóa và quản lý đô thị từ đó đến nay. Năm 1975, chúng ta tiếp quản TP hầu như nguyên vẹn nhưng đã chứa trong nó sự mất cân bằng nghiêm trọng. Có thể thấy ngoài quận 1, quận 3 được xây dựng có quy hoạch, phần lớn diện tích còn lại là phát triển không có quy hoạch. Hàng vạn cơ sở sản xuất ô nhiễm nằm cận kề khu dân cư, hàng chục vạn gia đình sống trong các khu ổ chuột hoặc trên kênh rạch. Sau giải phóng, trong thời kỳ bao vây cấm vận còn có cả chục năm “nông thôn hóa” đô thị.
TP đang gặp phải rất nhiều bài toán khó của sự đan xen giữa cũ và mới.Trong ảnh: Bên cạnh một cao ốc khang trang là một căn nhà cũ nát, sập xệ (ảnh dưới) trên mặt tiền đường Châu Văn Liêm, quận 5. Ảnh: T.HẰNG
Từ khi đổi mới, TP bước vào một thời kỳ đô thị hóa nhanh nhưng cũng là một thời kỳ quá độ song trùng. Đó là quá độ từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, từ nền kinh tế hành chính bao cấp qua kinh tế thị trường. Trạng thái quá độ thường là trạng thái không ổn định hoặc hỗn loạn để thiết lập trật tự mới. Từ ý thức và hành vi con người tới pháp luật và hệ thống quản lý đã không chuyển đổi theo kịp nhu cầu phát triển. Đó là nguyên nhân sâu xa của tình trạng đô thị hiện nay. Nếu cụ thể hơn phải nói tới năng lực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị không đáp ứng nổi đòi hỏi của thực tiễn, nhất là công tác quản lý đầu tư, xây dựng.
Thiếu thiết kế kiến trúc đô thị
. Phải chăng TP đang gặp phải bài toán khó của sự đan xen giữa cái cũ và cái mới và làm sao để giải bài toán này?
+ Bất cứ ai đi trên nhiều tuyến đường của TP cũng dễ dàng nhận thấy có nhiều căn nhà sập xệ, cũ nát (dĩ nhiên đó không phải là những công trình kiến trúc cổ) xen cài giữa những dãy nhà mới khang trang. Tôi lấy ví dụ về căn nhà mặt tiền trước Trường Đại học Kiến trúc trên đường Pasteur đã sập xệ nhiều năm nay rồi nhưng không ai can thiệp được. Người dân thì bảo không có tiền để xây mới nên cứ kệ, miễn sao có chỗ để ở, còn chính quyền lại thiếu sự chủ động, ngại đụng đến chuyện đền bù giải tỏa. Và còn rất nhiều bài toán khó giữa cũ và mới như tôi đã nói ở trên từ ý thức, hành vi con người tới pháp luật và hệ thống quản lý...
Chính quyền cần có quyết tâm cao hơn trong việc chủ động cải tạo và phát triển đô thị một cách đồng bộ bằng các dự án lớn cho từng khu vực chứ không thể ngồi chờ người ta đến xin phép rồi mình cấp. Nếu không có vốn thì phải tìm cách huy động để cải tạo. Để loang lổ như hiện nay không chỉ làm xấu bộ mặt đô thị mà còn thiệt hại về mặt kinh tế cho cả người dân và nhà nước. Còn khi chưa đủ điều kiện về hạ tầng thì không cho phép xây dựng các công trình làm tăng mật độ dân cư.
. Nhưng có những nơi đường mới làm lên rất đẹp, rất khang trang (ví dụ như tuyến đường đại lộ Đông Tây) đã xuất hiện nhiều ngôi nhà ống cao thấp, đủ màu, đủ kiểu dáng, nhô ra, thụt vào?
+ Trước đây, kiến trúc sư trưởng TP đã có quy định cấm xây dựng nhà căn phố trên các trục đường có lộ giới trên 40 m. Để quản lý các trục cảnh quan rất cần những quy định về thiết kế kiến trúc như vậy nhưng chúng ta đang thiếu các quy định loại này. Ngay như trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chúng ta thực hiện nâng cấp nhưng không kịp thiết kế kiến trúc đô thị. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tổ chức thiết kế nhưng khi làm đường xong thì người dân cũng đã xây nhà xong và xây dựng tùy ý, không ai giống ai.
Quy hoạch phân vùng quản lý
Ngày mai, 22-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Những chuyển biến ý thức pháp luật của cư dân TP.HCM trong quá trình xây dựng TP văn minh hiện đại”. Để hội thảo có thêm thực tế sinh động, mời bạn đọc tham gia phản ánh chuyện mắt thấy tai nghe về những hành vi chưa văn minh của người đô thị. Tin, bài cộng tác xin gửi về tòa soạn 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM hoặc email: baophapluat@phapluattp.vn. |
+ Thủ tục được sinh ra từ các luật. Là công dân, dù hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện vẫn phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Việc cố tình xây dựng bất chấp pháp luật phải chịu trách nhiệm và thiệt hại khi bị chế tài. Tuy nhiên, vi phạm xảy ra một lần trong thời gian ngắn, ở phạm vi hẹp thì trách nhiệm thuộc về công dân và người thừa hành. Còn khi đã để xảy ra một cách phổ biến, trong thời gian dài trên phạm vi rộng thì trách nhiệm thuộc về cấp vĩ mô, thuộc về hệ thống.
. Hiện nay chúng ta đang thiếu những điều kiện, yếu tố gì để quản lý lĩnh vực xây dựng cho một đô thị văn minh, hiện đại?
+ Quản lý xây dựng đô thị phải bằng quy hoạch và pháp luật. Hiện nay TP đang thực hiện quy hoạch 1/2000. Tuy nhiên theo tôi, không nhất thiết phải phủ kín quy hoạch 1/2000 mà cần phải có quy hoạch phân vùng để quản lý. Trong đó có vùng quy hoạch ổn định, vùng đang đô thị hóa, vùng ổn định sản xuất nông nghiệp... Chỉ những khu vực nào phát triển xây dựng nhiều thì mới cần phủ quy hoạch chi tiết. Căn cứ vào đó, chúng ta đưa ra những dự án lớn và thực hiện các quy hoạch khác nữa. Có như vậy mới tránh tình trạng quy hoạch treo như hiện nay.
Về pháp luật hiện còn quá nhiều bất cập, chồng chéo, dẫn đến tình trạng thiếu phối hợp trong quản lý. Việc này đòi hỏi phải quyết tâm cải cách hành chính mạnh hơn nữa. Nhất là ở dây chuyền thụ lý hồ sơ cần có sự khảo sát lại. Tại sao người ta chỉ giải quyết các hồ sơ xây dựng trong vòng một tuần, còn chúng ta lại mất vài năm? Một yếu tố không thể thiếu là chính sách tài chính cần có để huy động mọi nguồn lực cho cải tạo và phát triển chứ nhà nước không thể bao sân hết được.
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG thực hiện