Cần phạt nặng người cản trở nhà báo tác nghiệp

Băn khoăn về tiêu chí nhận diện vi phạm

Phát biểu góp ý, các đại biểu quan tâm đến việc nhận diện hành vi vi phạm để xử phạt. Ông Nguyễn Dũng Trường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, cho rằng tại Điều 6 quy định những thông tin không đúng sự thật, thông tin không khách quan thì cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt hành chính. Nhưng cơ sở nào để phân định thế nào là thông tin không khách quan, xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng... thì dự thảo nêu vẫn còn mơ hồ. Hoặc quy định không được đăng tải ảnh hở thân, thiếu thẩm mỹ trong khi hiểu thế nào là thiếu thẩm mỹ cũng chưa rõ ràng.

Một số ý kiến cho rằng việc không định rõ tiêu chí và ai là người xác định có thể gây nên những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bởi mức phạt của điều này rất nặng: “tước quyền sử dụng giấy phép báo chí từ 90 đến 180 ngày”.

Đại diện Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho rằng mức phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cản trở hoạt động nhà báo, hủy hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo chỉ từ ba đến năm triệu đồng là chưa thỏa đáng. Bởi trong nhiều trường hợp, riêng giá trị máy ảnh, máy quay phim của nhà báo đã cao hơn rất nhiều lần mức phạt đó. Phạt quá nhẹ như vậy thì sẽ không đủ sức răn đe.

“Những thiệt hại về vật chất chúng tôi chưa nói nhưng những mất mát vô hình như mất tài liệu trong máy, mất những hình ảnh tố cáo... đó mới là điều đáng sợ nhất” - một nhà báo chia sẻ.

Ông Phạm Phú Tâm, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, đề nghị cần tập hợp và bổ sung đầy đủ hơn những hành vi của các đối tượng không phải là nhà báo hay cơ quan báo chí nhưng gây ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động báo chí, cản trở tác nghiệp của nhà báo thành một điều riêng. Ví dụ như xúc phạm, đe dọa, hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, dùng quyền hạn cấm hoặc cản trở người khác thông tin cho báo chí, cung cấp thông tin sai sự thật...

Một số chế tài không cần thiết

Theo các đại biểu, dự thảo có những chế tài không cần thiết hoặc không khả thi. Tại khoản 1 Điều 6 nêu: Phạt cảnh cáo hoặc từ một đến ba triệu đồng đối với hành vi không ghi rõ tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi đăng tải trên báo chí; sử dụng tin bài để đăng phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả...

Theo bà Vũ Ngọc Dung - Tổng biên tập Báo Đất Việt, có những tin, bài cần huy động đến sự tham gia của một nhóm phóng viên, tòa soạn không thể đăng tải hết từng tên một.

Ông Phạm Phú Tâm cho rằng những trường hợp không ghi tên tác giả thường là do sơ suất hoặc lỗi kỹ thuật làm mất đi tên của tác giả, nếu như cứ căng ra để phạt thì không thỏa đáng. Ngay cả vấn đề sử dụng tin, bài nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả cũng đem ra phạt cũng không khả thi. Vì trong thực tế, có nhiều bạn đọc gửi ý kiến, bài viết mang tính bình luận, phân tích nhưng chỉ để địa chỉ email mà không đề tên thật.

“Tôi đề nghị bỏ hai điểm này, nếu các thông tin đưa trên mặt báo có vấn đề về tính chính xác thì cơ quan báo chí, tổng biên tập báo phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc, trước pháp luật chứ không nhất thiết phải đưa ra phạt hành chính” - ông Tâm nói.

“Ai cũng có quyền phạt?”

“Đọc dự thảo này về thẩm quyền xử phạt, tôi có cảm giác như ai cũng có thể xử phạt báo chí. Từ UBND các cấp đến công an nhân dân, bộ đội biên phòng... ai cũng có thẩm quyền xử phạt. Chúng tôi là cơ quan được quản lý, làm sao cho báo hay, người đọc tự giác tìm đến. Tôi đề nghị chúng ta đưa ra quy định là để tránh sai phạm chứ không phải mục tiêu chính là để xử phạt” - ông Mai Đức Lộc, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng, phát biểu.

Về quy định xử phạt từ ba đến năm triệu đồng với hành vi tự ý thêm bớt, cắt xén hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí, bà Vũ Ngọc Dung nói: “Không nên đưa điểm này vào dự thảo vì vốn dĩ việc cắt xén, biên tập là hoạt động mang tính nghiệp vụ. Làm báo không thể cái gì cũng đưa đọc lại, sửa lại. Nếu quy định vậy thì rất khó cho báo chí. Điều quan trọng là dù có cắt xén, biên tập nhưng miễn không sai ý người được phỏng vấn là được”.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết các ý kiến đóng góp này sẽ được ban soạn thảo ghi nhận, xem xét, cân nhắc cùng các ý kiến góp ý khác để hoàn chỉnh dự thảo trình chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT&TT:

Quy định để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tự do nhất

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng hoạt động báo chí, xuất bản có những thay đổi mà các văn bản pháp luật trước chưa tính được và không còn phù hợp. Do vậy, việc bổ sung và sửa đổi, cũng như đưa ra những quy định mới là cần thiết nhằm tạo điều kiện phát triển vai trò của báo chí chứ không phải để gây khó khăn và kiểm soát báo chí. “Khi đưa ra những quy định, chế tài chặt chẽ nhất thì cũng là lúc chúng ta tạo điều kiện để báo chí hoạt động tự do nhất” - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói.

Tại hội thảo, Bộ TT&TT cho biết từ nay đến trước khi nghị định được ban hành, Bộ sẽ tiếp nhận những đóng góp của người dân, tổ chức, cơ quan báo chí... Trên website của Bộ sẽ có một chương trình đối thoại trực tuyến hằng tuần để nghe mọi ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo này.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới