Yêu cầu ghi hình CSGT phải xin phép là trái luật

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phân tích: Về cấu trúc văn bản, các hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “chống đối CSGT” và “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” có bản chất hoàn toàn khác nhau. Việc C67 lồng ghép, kết nối với nhau và yêu cầu CSGT các địa phương “cảnh giác, kiên quyết đấu tranh” là thiếu thận trọng, không phù hợp.

Nội dung công văn còn dẫn tới cách hiểu quay phim, chụp ảnh hoạt động của CSGT phải “được phép đồng ý”. Như vậy là không phù hợp với các quy định hiện hành, vì việc cấm này chỉ áp dụng với khu vực an ninh, quốc phòng có quy định cấm người dân quay phim, chụp ảnh hoặc với vấn đề bí mật nhà nước. Đến nay, không có quy định nào cấm quay phim, chụp ảnh với hoạt động của CSGT. Hơn nữa, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là hoạt động công vụ của CSGT nhân danh Nhà nước tại nơi công cộng, hoàn toàn không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo Bộ luật Dân sự. Do vậy, đỏi hỏi quay phim, chụp ảnh phải “được phép đồng ý của CSGT” là không có cơ sở pháp lý.

Yêu cầu ghi hình CSGT phải xin phép là trái luật ảnh 1

Đòi hỏi quay phim, chụp ảnh phải “được phép đồng ý của CSGT” là không có cơ sở pháp lý. Ảnh: HTD

Theo Cục kiểm tra văn bản, CSGT cũng không có quyền truy hỏi người đang quay phim chụp ảnh cũng như kiểm tra giấy tờ của họ nhằm xác định họ có phải là nhà báo hay giả danh nhà báo.

Đối với báo chí, luật hiện hành quy định nhà báo có quyền “khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”, được “phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm”. Nhà báo tác nghiệp đúng luật thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.

Mặt khác, cũng theo Cục kiểm tra văn bản nhiệm vụ chính của CSGT là tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chứ không phải lĩnh vực báo chí. Những việc như vậy hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của C67.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản, nội dung “nếu đúng là nhà báo chỉ tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng...” trong Công văn 1042 là không thực tế, không phù hợp.

Chiếu theo Nghị định 40/2010 của Chính phủ (về kiểm tra và xử lý VBQPPL), Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Lê Hồng Sơn cho rằng: Trách nhiệm xử lý Công văn 1042 trước hết thuộc lãnh đạo Bộ Công an, cùng C67 - nơi ban hành văn bản và Vụ Pháp chế (V19, Bộ Công an). Trường hợp các đầu mối này không giải quyết thì Bộ Tư pháp mới kiểm tra, xử lý theo quy định.

Một cán bộ V19 nói thêm: Công văn 1042 được C67 ban hành từ tháng 4-2013, thuộc loại văn bản hành chính - nghiệp vụ. “Bộ Công an có rất nhiều tổng cục, cục, cơ quan nghiệp vụ. Mỗi ngày các đơn vị này ban hành cả trăm loại văn bản như vậy. Theo phân công, việc thẩm định trước khi ban hành và việc hậu kiểm các văn bản đó thuộc trách nhiệm của bộ phận văn phòng hoặc tham mưu. Với Công văn 1042, tôi nghĩ lãnh đạo C67 và cấp trên là Tổng cục VII - Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH phải kiểm tra, xử lý”.

Tăng cường nguồn lực, trách nhiệm pháp chế

Công văn 1042 được báo chí phát hiện vào đúng ngày Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đang giải trình về chất lượng, tiến độ văn bản QPPL trong phiên chất vấn của Thường vụ QH hôm 20-8. Sự việc càng nóng hơn bởi trước đó vài ngày, Chính phủ họp chuyên đề pháp luật đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác pháp chế, nâng cao chất lượng văn bản, kiểm soát, xử lý nghiêm với các văn bản có nội dung sai trái.

Bà Mạc Thị Hoa, Cục phó Cục Kiểm tra VBQPPL, chia sẻ: “Lâu nay dư luận hiểu nhầm, cho rằng văn bản có chất lượng kém là do lỗi của Bộ Tư pháp. Người ta đâu biết chúng tôi chỉ tiền kiểm với dự thảo VBQPPL của Chính phủ (gồm nghị định, quyết định của Thủ tướng). Hậu kiểm thì rộng hơn nhưng cũng chỉ đối với các VBQPPL hoặc có chứa quy phạm mà thôi”.

Về Công văn 1042, bà Hoa cho rằng công văn này thuộc diện có chứa quy phạm nhưng trái luật và không đúng thẩm quyền. Với loại này, trách nhiệm hậu kiểm trước hết thuộc cơ quan ban hành và pháp chế của bộ, ngành đó.

Bà nói: “Chúng tôi chỉ là một trong nhiều đầu mối có trách nhiệm hậu kiểm. Thế mà thượng vàng hạ cám, thấy văn bản nào có vấn đề, người dân đều điện hỏi, gửi về đây cả. Cả đơn vị có mấy mươi người. Mình không kiểm tra, có ý kiến thì lại bị coi là đùn đẩy trách nhiệm, làm không nghiêm túc”.

Còn từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng giải pháp lâu dài là phải tăng cường nguồn lực, trách nhiệm cho pháp chế các bộ ngành, địa phương.

“Cục Kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp thì làm sao chuyên sâu, trực tiếp được như V19. Kiểm tra, xử lý Công văn 1042 thì V19 làm là tốt nhất, nhanh nhất. Nhưng sẽ rất khó nếu lãnh đạo Bộ Công an không phân công rõ ràng. V19 cũng chỉ là cấp vụ, làm sao với sang được tổng cục khác” - ông Đương phân tích.

____________________________________________

Chờ chỉ đạo của Bộ

Theo thẩm quyền được phân công, V19 chỉ có trách nhiệm tham gia, xây dựng, thẩm định (tiền kiểm) và kiểm tra (hậu kiểm) các VBQPPL của ngành. Còn đối với những chỉ đạo mang tính nghiệp vụ của các cục, các đơn vị thì vụ này chỉ tham gia ý kiến khi được đơn vị chủ trì soạn thảo tham khảo. Về Công văn 1042, tôi cũng chỉ nắm được thông tin qua báo chí. Nếu đúng như thế thì có vẻ văn bản này có những điều chưa phù hợp. Nếu có chỉ đạo của Bộ, chúng tôi sẽ tham gia xem xét.

Ông TRẦN THẾ QUÂN, Vụ phó V19

Chúng tôi đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo Tổng cục và đang chờ chỉ đạo.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TUYÊN, Cục trưởng C67

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm