CỤC CSGT ĐƯỜNG BỘ - ĐƯỜNG SẮT

Không cấm người dân ghi hình CSGT

Trên các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội xôn xao với Công điện số 1042 ngày 26-4 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) về chuyện ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ.

Các ý kiến đều cho rằng khi đọc nội dung văn bản trên, mọi người đều hiểu đây là quy định “chụp ảnh, ghi hình CSGT phải xin phép”.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về nội dung văn bản trên, cả hai vị lãnh đạo Cục CSGT đều khẳng định: Không cấm, không hạn chế người dân, nhà báo ghi hình về hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT…

Văn bản không rõ ràng?

Theo Công điện số 1042, thời gian qua có một số đối tượng giả danh phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát. Do đó Cục CSGT yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép, đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Không cấm người dân ghi hình CSGT ảnh 1

Hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: PN

Nội dung văn bản trên đã gây ra khá nhiều cách hiểu khác nhau. Tại Hải Phòng, theo phản ánh của báo Lao Động (số ra ngày 20-8), phóng viên ghi hình hoạt động của CSGT xong, trên đường trở về cơ quan thì CSGT đuổi theo chặn xe, hạch hỏi. Căn cứ “pháp lý” họ đưa ra là Văn bản 1042.

Từ câu chữ trong văn bản này đến hành xử của CSGT trong vụ việc Hải Phòng cho thấy Công điện 1042 đã dẫn tới cách hiểu: Ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ thì phải xin phép. Việc này hoàn toàn trái với nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ của CSGT. Điều này dẫn tới phản ứng trong dư luận, cho rằng CSGT sợ bị lộ hình ảnh, clip tiêu cực nên mới có văn bản chỉ đạo trên.

Cục CSGT: Không cấm chụp ảnh, ghi hình

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi liên lạc với Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT, người ký văn bản trên. Ông Hà nói: “Công điện không có chỉ đạo nào cấm báo chí quay phim, chụp ảnh hoạt động của CSGT khi chưa được phép. Thực tế, chúng tôi rất mong muốn hợp tác với báo chí để giám sát, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng CSGT”.

Tương tự, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng khẳng định công điện trên là chỉ đạo của Cục về việc phòng ngừa giả danh nhà báo ghi hình CSGT chứ không có chuyện cấm nhà báo hay người dân ghi hình. “Người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Nên việc người dân chụp ảnh, quay phim CSGT tại những điểm không cấm là việc bình thường, chúng tôi hết sức ủng hộ. Đây cũng là cách giám sát tốt nhất để CSGT thực thi đúng quy trình, quy định” - ông Tuấn nói.

Đối với nhà báo, ông Tuấn cho rằng thực hiện theo đúng quy định tại Luật Báo chí chứ không hề có chuyện nhà báo phải xin phép CSGT mới được ghi hình. “Chúng tôi hết sức ủng hộ báo chí giám sát hoạt động của CSGT. Nhưng trong quá trình tác nghiệp, nếu xưng danh báo chí thì phải có giấy tờ chứng nhận” - ông Tuấn nói.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc văn bản có thể bị hiểu sai, Cục có sửa đổi ban hành một công điện khác để thay thế không, ông Trần Sơn Hà cho biết là đang đi công tác nên chưa nắm được vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, ông khẳng định nội dung Văn bản 1042 hoàn toàn đúng, không có gì phải sửa.

Câu chữ mang tính cấm đoán

Văn bản của Cục CSGT đường bộ - đường sắt “Cảnh giác (…) quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ…” buộc ai cũng hiểu là muốn ghi hình phải được CSGT đồng ý. Và việc này là trái với rất nhiều quy định pháp luật hiện hành và vi phạm các nguyên tắc xử sự từ trước nay. Bởi lẽ hiện chưa có văn bản pháp quy nào cấm hay hạn chế quyền của người dân ghi hình, quay phim lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Điều này dựa trên nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” và nguyên tắc “dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng công việc của lực lượng CSGT rất dễ phát sinh tiêu cực trong việc móc ngoặc với người vi phạm để bỏ qua các lỗi vi phạm giao thông. Như vậy, theo tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu, đúng ra chúng ta phải khuyến khích, hoan nghênh việc giám sát của báo chí, người dân đối với lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Văn bản trên dễ khiến mọi người suy diễn “CSGT sợ bị quay phim, chụp ảnh”.

ThS TRẦN QUANG TRUNG, giảng viên khoa Hành chính, ĐH Luật TP.HCM

Cục Kiểm tra văn bản: Sẽ hậu kiểm Công điện 1042

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Mạc Thị Hoa, Cục phó Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho hay vừa mới nắm được thông tin về công điện này qua phản ánh của báo chí. Hiện Cục đang liên hệ với Cục CSGT đường bộ - đường sắt yêu cầu cung cấp văn bản chính thức. Trên cơ sở đó sẽ xem xét, kiểm tra xem Công điện 1042 có phù hợp với quy định pháp luật không.

Đánh giá bước đầu, các chuyên viên ở Cục Kiểm tra văn bản cho rằng Công điện 1042 có những câu chữ không rõ ràng, dễ suy diễn hiểu theo nhiều cách. Đặc biệt, nội dung “luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng [...] quay phim, chụp ảnh [...] khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” đã xâm phạm tới quyền được biết, được thông tin của người dân, cũng như trái với yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền.

TỐ NHƯ

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm