Tuần qua, những dòng thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu (SHK) nhưng một số địa phương khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu người dân chứng minh nơi cư trú bằng cách phải xin giấy xác nhận nơi cư trú đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân. Tuy nhiên, cần sớm liên thông cơ sở dữ liệu để không còn cảnh bỏ SHK giấy lại cần có thêm giấy xác nhận nơi cư trú.
Cần sớm kết nối cơ sở dữ liệu
Bạn đọc Sỹ Hoàng ý kiến: “Việc bỏ SHK với mục đích chính là giúp người dân không phải làm các thủ tục hành chính rườm rà, cơ quan nhà nước quản lý con người bằng công nghệ số. Sở dĩ hiện nay cần phải có giấy xác nhận nơi cư trú là do cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đồng bộ, chưa thông thì cần sớm làm cho nó thông. Tôi ủng hộ cải cách hành chính triệt để nhưng không máy móc và chậm trễ”.
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM. |
“Theo tôi, hiện nay chúng ta đã có cổng VNeID. Nếu được, cơ quan chức năng nên xem xét cho phép người dân truy cập vào dữ liệu của bản thân thông qua cổng này. Mỗi người có ID và mật khẩu riêng, khi truy cập vào, VNeID sẽ cho phép gửi thông tin họ tên, CCCD và địa chỉ thường trú đến cơ quan mình cần thực hiện các thủ tục hành chính. Nếu cần, có thể bảo mật thêm bằng cách VNeID sẽ mã hóa thành QR Code mà chỉ các cơ quan hành chính có đầu đọc tương thích để đọc. Có như thế, người dân mới đỡ mất thời gian đi xin giấy xác nhận nơi cư trú” - bạn đọc Thanh Tùng ý kiến.
Thủ tướng: Không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện quy định bỏ SHK, sổ tạm trú giấy (từ ngày 1-1-2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng khi triển khai các biện pháp mới khó tránh khỏi các vấn đề phát sinh, Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ TT&TT đã kiểm tra ngay, xử lý các vấn đề liên quan, các địa phương phải vào cuộc, chủ tịch UBND tỉnh/TP phải quan tâm, tinh thần là người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể, không để người dân thất vọng về chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về bỏ SHK, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
VIẾT THỊNH
Bạn đọc Nguyễn Hiếu nêu: “Đề nghị cơ quan chức năng rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ yêu cầu cung cấp xác nhận nơi cư trú khi người dân làm thủ tục hành chính. Ví dụ, công chứng hợp đồng ủy quyền, di chúc, làm giấy khai tử, thủ tục mua bán nhà đất… một số trường hợp cũng có thể không cần chứng minh nơi cư trú mà chỉ cần quét mã CCCD là đủ”.
Bỏ SHK, đăng ký thường trú ra sao?
Liên quan đến quy định về bỏ SHK, một số bạn đọc cũng có thắc mắc về thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú hiện nay ra sao?
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai, thông tin việc không còn sử dụng SHK, sổ tạm trú giấy chuyển sang sử dụng việc quản lý thông tin công dân bằng công nghệ thông tin sẽ giúp người dân thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào mã số định danh cá nhân/CCCD, truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu thông tin, xác thực và khai thác thông tin công dân để thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính mà không yêu cầu công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ khác như trước đây, giúp quá trình giải quyết thủ tục nhanh chóng và hiệu quả.
Đại tá Minh cho hay để đăng ký cư trú, công dân có thể liên hệ trực tiếp cơ quan quản lý cư trú (công an cấp xã) nơi công dân đang cư trú để được hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú; đăng ký trực tuyến (online) tại các website dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an và dịch vụ công quốc gia: https://dichvucong.gov.vn/ hoặc https://dichvucong.bocongan.gov.vn/.
Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai, hồ sơ để đăng ký cư trú gồm các giấy tờ cơ bản sau: Giấy tờ chứng minh nhân thân lai lịch, mối quan hệ thân nhân với thành viên hoặc chủ hộ gia đình (CMND/CCCD, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…); giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (sổ hồng, xác nhận của UBND cấp xã…); tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01).
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp đặc biệt khác sẽ có thể yêu cầu thêm hoặc không yêu cầu một trong các giấy tờ nêu trên. Riêng đối với trường hợp trẻ em mới sinh, đăng ký thường trú theo cha mẹ thì không cần phải cung cấp giấy tờ chứng minh về chỗ ở hợp pháp. Tuy nhiên, trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01) phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.