Cần sớm xây dựng cơ chế về luật sư công

(PLO)- Trước giờ chúng ta đã nghe về luật sư (LS) công nhưng thực tế nước ta vẫn chưa có cơ chế, chính sách về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước giờ chúng ta đã nghe về luật sư (LS) công nhưng thực tế nước ta vẫn chưa có cơ chế, chính sách về vấn đề này. Nay, với chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Liên đoàn LS Việt Nam, hy vọng chúng ta sớm có cơ chế để LS tham gia hoạt động bảo vệ lợi ích công, giúp nhà nước đàm phán, tranh tụng, cả trong nước và quốc tế.

Tại buổi Thủ tướng làm việc với Thường trực Liên đoàn LS Việt Nam chiều 21-4-2022, Thường trực Liên đoàn đã đề xuất cơ chế LS được tham gia bảo vệ lợi ích công. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Liên đoàn LS Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách với LS khi tham gia các hoạt động bảo vệ lợi ích công. Cơ chế ấy bảo đảm thu hút được LS có trình độ cao, có kỹ năng và kinh nghiệm trong đàm phán, tranh tụng, tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ lợi ích công trong đầu tư, thương mại cũng như tranh tụng quốc tế.

Các luật sư trao đổi tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Các luật sư trao đổi tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với một số loại hình hoạt động của LS như LS hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công là hết sức bức thiết vì tính chất quan trọng của việc hành nghề mang tính chất công ích cho chính quyền và cho xã hội.

Trở ngại lớn nhất của việc xây dựng chế độ LS trong lĩnh vực dịch vụ công là do trong pháp luật về LS quy định những người đang công tác trong các cơ quan nhà nước không được làm LS, có nghĩa là loại trừ sự tồn tại hợp pháp của LS công chức trong pháp luật thực định hiện hành. Về mặt lý luận và thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay cũng chưa có sự thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng chế định LS công.

Xét về mục tiêu xây dựng và mở rộng khả năng tham gia của đội ngũ LS đối với xã hội, việc từng bước tổ chức thí điểm chế định LS phục vụ lợi ích công có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển tố chất nội lực và phạm vi hành nghề của đội ngũ LS. Vấn đề đặt ra là cần xác định cơ sở lý luận về sự cần thiết xây dựng chế định LS hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công phù hợp với điều kiện và đặc điểm của Việt Nam.

LS được Nhà nước tuyển dụng (không phải là công chức), chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các quyết sách của chính quyền, tham gia đàm phán đối ngoại và thay mặt cho chính quyền tham gia tố tụng trước các cơ quan tài phán các cấp.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đòi hỏi hoạt động của chính quyền phải dựa trên cơ sở pháp luật và chuẩn mực hóa, ổn định và thống nhất tất cả phạm vi hoạt động hành chính nhà nước trong điều kiện phát huy tối đa khả năng phục vụ của chính quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với phạm vi công việc là cố vấn pháp luật, xử lý tố tụng hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính quyền, các bộ phận của chính quyền trước các hành vi xâm phạm và trong các tiến trình tố tụng mà một bên đương sự là chính quyền, nhất là trong các vụ kiện quốc tế. Do đó, cần xây dựng thí điểm loại hình LS của chính quyền, làm cho tính chất quản lý hành chính mang tính mệnh lệnh - phục tùng chuyển biến sang hoạch định chính sách vĩ mô, các quyết định tác động đến lợi ích cộng đồng dựa trên cơ sở pháp luật. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển nghề LS hiện nay trên thế giới.

Ngoài ra, do sự phân bổ không đồng đều (số lượng LS ở TP.HCM và Hà Nội chiếm gần 2/3 số lượng LS cả nước), nên nhu cầu thụ hưởng dịch vụ pháp lý của người dân bị hạn chế, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng kinh tế khó khăn. Do chưa có chế độ LS phục vụ trong hoạt động dịch vụ công nên trong thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý, vẫn phải mời LS trong các tổ chức hành nghề LS, vừa tốn kém vừa phức tạp về thủ tục, nhiều khi không đáp ứng được do mức thù lao thấp hoặc không mời được LS do số lượng LS ở địa phương ít.

Nhà nước cần có cơ chế và chính sách để thu hút các LS tham gia ngày càng nhiều hơn trong việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, các đối tượng thuộc diện chính sách, những người yếu thế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm