Cần Thơ chậm xử lý nạn lấn chiếm đất công

Tỉnh lộ 919 đoạn qua xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nhiều năm qua đã trở thành điểm nóng trong quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Phần đất dọc hai bên tỉnh lộ là đất thuộc diện quản lý của Nhà nước, tuy nhiên vài năm gần đây nhiều người dân đã đổ xô đến đua nhau lấn chiếm, xây dựng, mua bán trái phép. 

Cả dãy nhà xây dựng trái phép trên đất công, lấn chiếm hành lang lộ giới tỉnh lộ 919. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Ngang nhiên chiếm đất công
Ghi nhận của PV, bên cạnh những ngôi nhà, công trình được cấp phép tạm thì nhiều căn nhà, kho bãi mới lần lượt mọc trái phép lên như nấm. Trong đó có nhiều hộ dân lấn chiếm cất nhà kiên cố để ở, nhiều trường hợp khác thì san lấp mặt bằng bao chiếm, phân lô nền cho thuê lại để kinh doanh bất hợp pháp. Không ít nơi được cho thuê lại xây dựng kho bãi, cơ sở kinh doanh… lấn chiếm cả diện tích hành lang lộ giới gây mất an toàn giao thông. Mặc dù là công trình trái phép nhưng không biết vì lý do gì vẫn được ngành chức năng cấp điện, nước sinh hoạt đầy đủ.
Trao đổi với PV, ông Lê Thành Đô, Bí thư xã Thạnh Phú, thừa nhận tình hình trật tự xây dựng dọc hai bên tỉnh lộ 919 rất phức tạp. “Tình trạng xây dựng, mua bán trái phép đất thuộc Nhà nước quản lý dọc tỉnh lộ 919 đã diễn ra nhiều năm và rất phức tạp. Về mặt quản lý nhà nước, xã đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp bao chiếm đất, trong đó có trường hợp còn xảy ra tranh chấp rồi bơm cát, xây hàng rào để giành đất công” - bí thư xã Thạnh Phú nhìn nhận. 
Theo ông Đô, trong năm 2018 huyện và xã đã ra quyết định xử phạt 29 trường hợp, năm 2019 là sáu trường hợp và năm 2020 xử phạt chín trường hợp. Hiện xã đã có kế hoạch cưỡng chế bốn trường hợp và sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 12 này. 
Trả lời câu hỏi vì sao đến nay chỉ mới xử lý cưỡng chế bốn trường hợp, ông Đô giải thích: Qua kiểm tra, xác minh thì bốn trường hợp (năm 2019) này đã có thời gian lấn chiếm lâu, có trường hợp vi phạm lần hai nên xử lý trước theo chỉ đạo của huyện. Trong đó có một hộ hoàn cảnh khó khăn, họ đề nghị được hỗ trợ về nhà ở sẽ chấp hành di dời, có một hộ là con của nguyên chủ tịch thị trấn. “Qua vận động, các hộ này thừa nhận lấn chiếm đất công nhưng họ nói phải xử lý đồng loạt hết các trường hợp khác thì mới đồng ý. Tuy nhiên, những hộ khác qua thống kê thì có một số hộ trước đó được Nông trường Cờ Đỏ cấp phép ở tạm nên không thể xử lý” - ông Đô nói.

Đất dọc tỉnh lộ 919 bị san lấp, xây dựng kho bãi, 
tiệm rửa xe, cho thuê bất hợp pháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Bất cập trong giao và quản lý đất
Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, thừa nhận công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã Thạnh Phú còn chậm. Theo ông Kiệt, quan điểm của huyện là kiên quyết thực hiện cưỡng chế một số trường hợp để răn đe, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo xã Thạnh Phú kiên quyết xử lý dứt điểm bốn trường hợp lấn chiếm mương lộ trên và tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới. Tuy nhiên, do năng lực cán bộ xã còn hạn chế, ảnh hưởng dịch COVID-19… nên công tác xử lý cưỡng chế còn chậm. Hiện huyện đã chỉ đạo xã cưỡng chế dứt điểm bốn hộ trên trong tháng 12 này, đặc biệt là những trường hợp lấn chiếm hành lang lộ giới. 
Nói về nguyên nhân để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép lấn chiếm đất công như hiện nay, phó chủ tịch UBND huyện cho rằng là do bất cập trong giao và quản lý đất. 
Theo ông Kiệt, phần phía kênh Bốn Tổng Một Ngàn (hướng về huyện Vĩnh Thạnh) trước đây là đất của Nông trường Cờ Đỏ và nông trường có cho một số hộ dân xây dựng nhà ở. Nay đất được giao về cho huyện quản lý nhưng khi giao TP chỉ bàn giao tổng thể đất mà không đo đạc chi tiết nên huyện không thể giao đất có thu tiền, cấp giấy chứng nhận cho dân. Hiện có nhiều hộ xây nhà từ năm 1993, nhà xuống cấp nhưng huyện cũng không thể cấp phép xây dựng vì thực chất họ không có giấy tờ đất nên chỉ cho sửa chữa trên hiện trạng cũ. 
Trước bất cập này, từ năm 2018, huyện đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT đo đạc lại nhưng sở nói chờ đo đạc tổng thể cả huyện. Trong năm nay, huyện tiếp tục có báo cáo kiến nghị sở về khó khăn, bất cập trong việc quản lý, giao đất ở khu vực này dẫn đến tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép như hiện nay. “Qua làm việc, sở đã thống nhất huyện thuê đơn vị tư vấn để lập hồ sơ dự toán đo đạc chi tiết lại, xác định nguồn gốc đất, sau đó huyện mới có cơ sở xem xét hộ nào được cấp giấy, nghĩa vụ tài chính thế nào. Chứ như hiện nay không giao đất được thì rất khó quản lý về trật tự xây dựng” - phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ nói.•

hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền?

 Theo người dân, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. Nhất là khi tỉnh lộ 919 được đưa vào khai thác sử dụng, đất khu vực này trở thành một miếng bánh béo bở nên nhiều người nhảy vào bao chiếm tràn lan.

Công trình này chưa được xử lý xong thì công trình trái phép khác lại mọc lên như thách thức pháp luật. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi có hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương?
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm