UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo rà soát Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Xây dựng.
Theo đó, quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đánh giá về bối cảnh thực tiễn phát triển chung của TP, về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật – xã hội, sự tác động từ biến đổi khí hậu trên địa bàn các quận, đã phát sinh nhu cầu điều chỉnh cục bộ một số nội dung so với Quy hoạch chung TP đã được phê duyệt nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương.
Phương án đề xuất điều chỉnh khu Trung tâm Văn hóa Tât Đô. Ảnh: NN
Từ đó, báo cáo đề xuất các vấn đề giải quyết gồm, thứ nhất là cập nhật, bổ sung một số vị trí dự án đã được Chính phủ có ý kiến thống nhất vào Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô (quận Cái Răng) bổ sung Trung tâm Hành chính – Văn hóa TP Cần Thơ;
Cập nhật nội dung về hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Quy hoạch chung TP Cần Thơ đã được chủ trương điều chỉnh về nguyên tắc, gồm: Nghĩa trang phía Tây Bắc khu đô thị Trung tâm TP, huyện Thới Lai được điều chỉnh dịch chuyển về vị trí giáp ranh quận Ô Môn và Bình Thủy;
Nghĩa trang phía Bắc TP, quận Thốt Nốt được dịch chuyển về vị trí tại huyện Vĩnh Thạnh, giáp ranh quận Thốt Nốt.
Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung phương án quy hoạch giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ: đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đường tỉnh 918, 917, đường nối Cách Mạng Tháng Tám nối đường tỉnh 918… để kết nối giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa các quận, huyện và với các tỉnh khu vực trong vùng;
Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh trong thời gian tới; Phù hợp theo các đồ án quy hoạch phân khu các quận, quy hoạch chung các huyện và các quy hoạch ngành giao thông vận tải của Trung ương và TP đã được phê duyệt.
Các khu vực theo quy hoạch chung được duyệt năm 2013. Ảnh: NN
Trong đó, điều chỉnh, dịch chuyển hướng tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam sông Hậu, nhằm phù hợp với thực tế triển khai xây dựng và gắn kết với các hạ tầng xung quanh. Bổ sung, cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn tuyến đường tỉnh 922 vào Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt.
Ba là tổ chức lại cơ cấu không gian đô thị, bổ sung chức năng sử dụng đất để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của TP…
Cụ thể: Khu đô thị mới Ô Môn (diện tích khoảng 1.900 ha, được xác định trong Quy hoạch chung TP năm 2013) đề xuất chuyển vị trí phát triển Khu đô thị mới Ô Môn về hai khu vực trung tâm quận Ô Môn hiện hữu (diện tích khoảng 1.500 ha) và khu đô thị - công nghiệp Trà Nóc (khoảng 350 ha);
Tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam sông Hậu (đoạn qua địa bàn quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Điền), điều chỉnh cơ cấu không gian đô thị xung quanh tuyến Quốc lộ 91C thành đất đô thị đa chức năng nhằm tạo quỹ đất khai thác;
Đường tỉnh 922 mới, đề xuất điều chỉnh định hướng cơ cấu không gian đô thị xung quanh tuyến đường tỉnh 922 mới thành đất đô thị đa năng với các chức năng sử dụng đất gồm giáo dục, y tế và công nghiệp;
Phương án đề xuất điều chỉnh khu các trường đại học. Ảnh: NN
Khu các trường đại học và giáo dục chuyên nghiệp TP Cần Thơ đã được bố trí tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy (khu các trường đại học và giáo dục chuyên nghiệp tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; khu giáo dục tiếp giáp Quốc lộ 91B thuộc quận Bình Thủy…), sẽ điều chỉnh bố trí tại quận Ô Môn.
Việc này phù hợp với định hướng quy hoạch chung TP được duyệt nhằm tập trung phát triển chức năng về giáo dục – đào tạo (đại học, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp…) tại quận Ô Môn; Đáp ứng nhu cầu nâng cao, nâng tầm về chất lượng, quy mô mở rộng các trường, cơ sở hiện hữu... phục vụ cho cả vùng theo đúng định hướng quy hoạch chung TP đã được phê duyệt năm 2013;
Khu trung tâm thể theo vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (diện tích khoảng 75 ha, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), TP đã rà soát và có công văn gửi Bộ VH-TT&DL xin ý kiến tình hình triển khai thực hiện;
Vị trí 4g - khu vực cồn Khương trong phương án đề xuất điều chỉnh. Ảnh: NN
Khu vực cồn Khương (thuộc khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy), điều chỉnh, bổ sung chức năng khu ở theo quy hoạch chung và tình hình thực tế các dự án đang triển khai tại khu vực này, đồng thời phù hợp với quy hoạch sử dụng đất TP Cần Thơ đã được Thủ tướng phê duyệt;
Khu hai bên đường tỉnh 920B, đề xuất điều chính, bổ sung chức năng đô thị nhằm khai thác quy đất của tuyến đường này;
Khu vực 47 ha (khu xử lý rác tại quận Ô Môn), sẽ điều chỉnh chuyển đổi thành chức năng hỗ hợp (chuyên về nghiên cứu phục vụ nông nghiệp, công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, dịch vụ…);
Bốn là điều chỉnh, cập nhật vị trí các khu, cụm công nghiệp được xác định trong Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển của từng quận, huyện trên địa bàn TP…