Nói về tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết từ năm 1999, Đảng đã đặt ra vấn đề hợp nhất các bộ, ngành theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Ông cũng từng đề xuất sắp xếp bộ máy còn dưới 20 bộ là hợp lý. “Các nước phát triển chỉ có 10-12 bộ, đặc biệt Thụy Sĩ chỉ bảy bộ” - ông Phúc dẫn chứng.
Cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.
Ông Phúc cũng nêu các bộ, ngành phải sắp xếp lại cơ cấu bên trong. “Hành động bỏ cấp tổng cục của Bộ Công an cho thấy sự quyết liệt của Bộ trong việc thực hiện sắp xếp lại bộ máy” - ông Phúc nói.
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông cũng dành nhiều phân tích về những hạn chế, bất cập trong việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ sau hơn hai năm thi hành Luật Tổ chức Chính phủ 2015.
“Cơ cấu tổ chức Chính phủ chậm được nghiên cứu để tiếp tục đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả” - ông Thông nhận xét.
Theo đó, cơ cấu tổ chức Chính phủ được xác định gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ từ khóa XII, tiếp tục được duy trì trong khóa XIII và XIV, mặc dù Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã có những điều chỉnh quan trọng, không chỉ vị trí của Chính phủ mà cả thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm và các mối quan hệ với mô hình tổ chức Chính phủ bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông.
Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ ở nước ta vẫn còn nhiều. “So sánh với cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động ở con số dưới 20” - ông Thông dẫn chứng.
Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, cần tiếp tục nghiên cứu tiến tới cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp. Thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau để vừa giảm số lượng vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo ông Thông, thực tiễn tổ chức Chính phủ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy việc sắp xếp, sáp nhập các bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa thực sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ, mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của bộ trở nên phức tạp.
“Việc sáp nhập một số bộ đa ngành, đa lĩnh vực không kèm tái cơ cấu cấu trúc bên trong của các bộ nên tổ chức bộ máy bên trong trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng cao” - ông Thông nhận xét.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống, gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Số tổng cục đường thành lập ngày càng tăng, trong tổng cục cũng tổ chức cục, vụ, văn phòng, thanh tra.... tạo nên mô hình “bộ trong bộ”. Cơ cấu này thực tế không những làm tăng tính cồng kềnh của bộ máy mà còn làm tăng tính quan liêu, giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý.
Từ phân tích trên, ông Thông cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là cần các giải pháp cải cách quyết liệt để tái cơ cấu bộ máy Chính phủ, bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ theo đúng quan điểm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện nhất quán và nâng cao hiệu quả mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ.
Đồng thời nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng gần nhau, đối tượng và phạm vi quản lý liên quan với nhau để khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước nhưng phải đảm bảo sự liên thông, đồng bộ, thống nhất của bộ máy Chính phủ.
Đổi mới việc sắp xếp, tái cấu trúc tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, bỏ cấp trung gian. Trên tinh thần đó, xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục, tạo khung tổ chức thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ...