TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nêu ý kiến tại hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 28-9.
TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đặt câu hỏi với cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam liệu chúng ta khuyến khích đi xe đạp có sớm quá không, trong khi xe máy đang chiếm ưu thế bởi tính cơ động của nó trong việc mưu sinh của người dân.
“Tôi nghĩ xe đạp chưa thể là phương tiện thay thế cho xe máy mà nên là phương tiện phụ trợ… Sớm nhất cũng phải từ năm 2025 đến 2030, khi hạ tầng giao thông công cộng đã hoàn thiện hơn, có tàu điện, xe buýt... chúng ta mới có thể tính tới việc sử dụng xe đạp để tham gia giao thông thường xuyên…” - ông Thủy nói.
Đồng tình với ông Thủy, một chuyên gia về giao thông cũng nhận định chúng ta không phủ nhận những mặt ưu điểm quan trọng của giao thông xe đạp. Tuy nhiên, cần xác định mức độ hợp lý để phát triển xe đạp, vì nếu mật độ sử dụng xe đạp quá cao và trở thành phương thức đi lại chính của người TP, nhất là những TP lớn thì mức tổn hao do nó gây ra sẽ lớn hơn nhiều lợi ích mang lại.
Nhiều đại biểu cho rằng với cơ sở hạ tầng hiện nay thì việc phát triển xe đạp chỉ ở mức độ vừa phải. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cũng khẳng định nên quan niệm xe đạp chỉ là “gia vị”, cần “nêm” vừa phải, nhiều quá sẽ không hợp lý. “Chỉ nên khuyến khích đi xe đạp nhằm chuyển đổi phương thức đi lại để không làm phát sinh thêm chuyến đi không cần thiết” - ông Trường nói.
TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cũng thừa nhận xe đạp không thể là phương tiện chính nhưng một bộ phận người dân đang có nhu cầu đi xe đạp nên việc khuyến khích đi xe đạp là cần thiết.
“Xe đạp được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với các hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường giao thông và nâng cao an toàn giao thông tại các TP lớn…” - ông Hùng nói.