Tuy nhiên, ông Liên nêu quan điểm “với hạ tầng Hà Nội hiện nay thì i không thấy đường nào có thể thí điểm xe đạp công cộng”.
Trước đó, trong đề xuất của mình, Công ty Cổ phần Môi trường xây xanh đô thị (VPT) đã gửi UBND TP Hà Nội đề xuất thí điểm xe đạp công cộng với lý do rằng, hiện nay hạ tầng giao thông của Hà Nội đang ngày càng quá tải, bất cập do sự tăng nhanh của các phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy. Do đó cần phải có hệ thống phương tiện công cộng thay thế. Đề xuất này của VPT đã được lãnh đạo Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc triển khai đầu tư hệ thống xe đạp công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố vào quý 2.
Chia sẻ với PV Lao động về việc thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội vào quý 2, ông Liên nói:
Điều kiện phải có để thí điểm xe đạp công cộng là phải có bãi gửi, bãi trông xe, bãi nhận xe và phải có đường dành riêng cho xe đạp. Khi muốn sử dụng xe đạp trong nội đô thì phải có đường dành riêng. Trên thế giới nhiều nước phát triển xe đạp công cộng bởi họ đã có đường dành riêng cho xe đạp, đường này không có người đi bộ, không có xe máy, ô tô.
Còn mục tiêu của xe đạp công cộng là giảm ùn tắc giao thông, giảm khí thải độc hại. Để giảm ùn tắc là phải có đường riêng mà không lẫn lộn với các phương tiện khác. Vì dùng chung với phương tiện khác thì xe đạp với tốc độ chậm thì xe đạp lại dễ gây tai nạn, dễ gây ùn tắc hơn. Bởi thử hình dung nếu xe đạp, xe máy và ô tô cùng dừng ở đèn đỏ, đến đèn xanh thì xe máy và ô tô gia tốc lớn di chuyển nhanh hơn, còn xe đạp sẽ chậm lại rất nguy hiểm. Ngoài ra, xe máy lưu thông nhanh nên giải phóng mặt đường nhanh hơn xe đạp.
Theo ông Bùi Danh Liên việc thí điểm xe đạp công cộng sẽ rất khó bởi cần dành đường riêng cho xe đạp công cộng |
Theo ông, với cơ sở hạ tầng Hà Nội hiện nay thì có thể có đường riêng cho xe đạp?
Hà Nội hiện nay thì không thể có đường riêng cho xe đạp. Đến nơi gửi xe máy ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào còn không làm được. Tức là xe vào mua bán hàng còn không biết để ở đâu chứ chưa tính đến đường riêng cho xe đạp.
Xe đạp công cộng thì Phần Lan, Đức, Trung Quốc cũng đã có. Nhưng các nước đã có đường dành cho xe đạp, còn Hà Nội thì không thể có. Tôi nhìn bản đồ khắp các tuyến phố Hà Nội thì không thể tìm được phố nào có thể thí điểm làn đường riêng cho xe đạp công cộng.
Liệu có thể dùng biện pháp hành chính là cấm đường dành cho xe đạp được không?
Không thể làm thế được. Bởi phố nào, đường nào cũng có dân cư. Họ phải có phương tiện đi làm, phương tiện vào nhà. Như phố Hàng ngang, hàng Đào thì không thể cấm dân đi lại được.
Theo tôi, nếu thí điểm có thể phục vụ khách du lịch chứ áp dụng với người dân thì chắc chắn họ sẽ không chấp nhận. Người dân họ có thể đi xe buýt, đi bộ chứ không phải bỏ tiền ra đi xe đạp.
Như ông nói thì việc đưa xe đạp công cộng vào giảm thiểu ùn tắc giao thông là rất khó, những người đề ra chủ trương thí điểm ở Hà Nội cũng đã hình dung được những khó khăn này nhưng sắp tới vẫn thí điểm triển khai. Vậy theo ông, với xe đạp công cộng thì Hà Nội mong muốn điều gì?
Mong muốn giảm ùn tắc giao thông và môi trường sạch. Họ đề ra thí điểm thôi chứ chưa áp dụng đại trà. Mà thí điểm thì có thể thành công và cũng có thể thất bại. Đây là thí điểm để báo cáo lại UBND TP Hà Nội nên nếu thí điểm thất bại thì lại dừng thôi.
Xe đạp không thể giảm thiểu ùn tắc. Vậy theo ông thì có loại hình phương tiện mới nào để người dân tham gia giao thuận lợi mà tránh ùn tắc?
Không có. Chỉ có thể đầu tư hạ tầng lâu dài toàn diện, đường mở rộng, có tàu điện ngầm và xe buýt nhanh hơn. Và quan trọng là người dân chấp hành luật giao thông.